SIẾT THU THUẾ VỚI GIAO DỊCH CHUYỂN NHƯỢNG NHÀ, ĐẤT: VẪN LÚNG TÚNG!

14/06/2022 10:32:47
Kinhtedothi - Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các Cục Thuế địa phương siết thu thuế với giao dịch chuyển nhượng nhà, đất trên nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Theo đó, không được trả lại, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ chuyển nhượng bất động sản của người dân, DN theo quy định mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế. Nếu phát hiện rủi ro, ngành thuế sẽ thanh tra, kiểm tra sau theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thời gian qua, khi các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp chống thất thu thuế đối với chuyển nhượng BĐS, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng chậm giải quyết hoặc trả hồ sơ do người dân kê khai giá mua bán nhà đất thấp hơn so với giá thực tế. Bởi đã và đang có hiện tượng kê khai giá thấp hơn giá giao dịch thực tế. Nhiều người bán nhà, đất cũng thừa nhận khai chưa đúng, chỉ cần cao hơn bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Thậm chí nhiều kiểu lách xuất hiện như cho, tặng…

Theo quy định hiện nay nếu người nhận BĐS thuộc dạng cho, tặng phải nộp thuế thu nhập cá nhân 10% nhưng tính trên bảng giá đất do UBND tỉnh, TP ban hành. Hiện bảng giá đất có nơi chỉ bằng 10 – 15% giá thị trường, thậm chí còn thấp hơn, do vậy có khả năng họ lách theo cách này vì thấy có lợi hơn so với nộp thuế 2% trên giá chuyển nhượng thực tế.

Chỉ trong một thời gian ngắn siết lại việc kê khai giá chuyển nhượng BĐS, có địa phương đã tăng thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, cán bộ thuế nhiều địa phương lúng túng với việc “xác định giá đúng” dẫn đến hiện tượng “găm”, ùn ứ hồ sơ không giải quyết được.

Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Thành Luân

Trước đó, theo phản ánh của đại biểu Quốc hội, cán bộ thuế mỗi nơi đang làm một kiểu để thu được thuế chuyển nhượng BĐS. Nhiều nơi yêu cầu tính giá thuế thêm cao hơn kê khai 1,2 – 1,5 lần, có nơi yêu cầu cao hơn 2 lần mới giải quyết còn không sẽ bị ngâm hồ sơ. “Giá thấp” nói đúng, đủ là giá thấp hơn giá thị trường. Nhưng giá thị trường là giá nào thì chưa ai xác định, chỉ nói theo cảm tính. Vì thế hàng nghìn hồ sơ mua bán nhà đất bị trả lại để khai cho sát với giá thị trường khiến người dân bức xúc.

Vấn đề đặt ra trong việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS là chống thất thu nhưng cũng phải gắn với quyền lợi của người dân khi bồi thường, thu hồi đất. Bởi lẽ, với các giao dịch trên thị trường thì cơ quan thuế yêu cầu áp mức giá thị trường để tính thuế, nhưng với những trường hợp thu hồi đất đai, thì lại áp khung giá Nhà nước, dẫn đến bất hợp lý, không công bằng trong trường hợp này, khiến người dân bức xúc…

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, Luật Đất đai quy định bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi thực tế giá thị trường BĐS lại biến động liên tục, điều này dẫn tới việc giá đất do UBND cấp tỉnh quy định không sát với giá của thị trường, gây mâu thuẫn. Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc áp dụng biện pháp thu thuế BĐS theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” để đảm bảo thời gian theo quy định đối với các hồ sơ chuyển nhượng của người nộp thuế. Giải pháp căn cơ và lâu dài đó là cần có khung pháp lý về thu thuế BĐS rõ ràng và hợp lý. Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản làm cơ sở pháp lý tính giá đất chuyển nhượng để người dân và cơ quan thuế dễ áp dụng.

Giải pháp vừa chống thất thu thuế, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân như đề xuất nâng bảng giá đất, mua bán nhà đất phải thanh toán qua ngân hàng, hay đề xuất xây dựng một bảng sàn BĐS tối thiểu. Cần xây dựng hệ số K phù hợp cho việc tính thuế chuyển nhượng BĐS; thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng BĐS để khuyến khích người dân khai đúng giá mua bán.

 

Theo Báo Kinh tế & Đô thị