CẢM HỨNG TỪ CÂU CHUYỆN KỂ CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC: TỜ GIẤY TRẮNG VÀ DẤU CHẤM ĐEN

21/03/2023 10:22:02

Một tờ giấy trắng có một chấm nhỏ thôi nhưng có thể phải bỏ cả tờ giấy. Đôi khi trong cuộc sống, có những lỗi dù rất nhỏ nhưng lại gây ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí là hình ảnh, uy tín đã nhiều năm tạo dựng. 

Trong buổi họp tổng kết năm của SAVISTA Holdings, Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng đã kể một câu chuyện lớn bằng một trò chơi nhỏ. Ông cho trình chiếu hình ảnh một tờ giấy trắng có một dấu chấm đen rất dễ nhìn thấy. Ông hỏi: “Các anh chị nhìn thấy đây là gì?” 

Cả khán phòng xôn xao với hầu hết những ý kiến trả lời rằng họ nhìn thấy một điểm tròn, một chấm câu. Có người nói: “Là tờ giấy trắng và một dấu chấm”.

Sau một lát, Tổng Giám đốc nói: “Mọi người thấy không sai. Rõ là dấu chấm đen rất nổi bật trên tờ giấy trắng này. Dù cái chấm chỉ chiếm một phần rất nhỏ diện tích so với tờ giấy, nhưng các bạn lại không chú ý đến tờ giấy còn rất nhiều khoảng trắng, vẫn còn có thể sử dụng được. Thậm chí, sau khi viết lên đấy những nội dung có ý nghĩa, có thể làm cho ta bỏ qua cái chấm tròn này. Nó không còn đáng kể, không còn vì nó mà bỏ đi cả tờ giấy trắng.”

Ai cũng có mặt tốt, mặt hạn chế. Có người đôi khi cũng sẽ mắc lỗi sai, có thể lỗi lầm đó chỉ nhỏ như một cái chấm trên tờ giấy trắng lớn, nhưng chỉ vì dấu chấm đó mà chúng ta bỏ đi một tờ giấy trắng còn hữu ích, có nên chăng?

Trong công việc, đôi lúc chúng ta vấp phải sơ suất, dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những việc đã hoàn thành nhưng người khác nhìn vô có thể đánh giá ta là người không tốt vì bản chất con người dễ có xu hướng chú ý nhiều đến những mảng tối, tập trung vào các khuyết điểm hơn là phát hiện điểm sáng.

Khi phối hợp với nhau, đặc biệt là phối hợp giữa các bộ phận, phòng ban, chúng ta cần nhìn toàn cục thay vì chỉ nhìn vào điều đã mắc phải. Một trong những tư duy quán tính của con người là chúng ta thường sẽ dễ dàng chỉ ra cái sai của vấn đề thuộc chuyên môn của người khác, phán xét nó, chê trách nó, nhưng khi hỏi đến phải giải quyết vấn đề như thế nào, thì lại khó mà đưa ra được giải pháp, cách thực hiện thực tế khả thi. Vậy nên, nếu có những lỗ hổng phải kịp thời chỉ ra, giúp nhau cải thiện, xóa đi những lỗi nhỏ bé ấy thay vì phán xét, tập trung chê trách. 

Ở một góc cạnh khác, Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng phân tích thêm: “Nếu tờ giấy A4 đã có dấu chấm đen như vậy, các bạn có dùng nó để làm văn bản trình tôi ký không? Hoặc dùng để in văn bản ký kết với khách hàng không? Chắc chắn là không, mà chúng ta sẽ bỏ tờ giấy đó đi”. 

Một tờ giấy trắng có một chấm nhỏ thôi nhưng có thể phải bỏ cả tờ giấy. Đôi khi trong cuộc sống, có những lỗi dù rất nhỏ nhưng lại gây ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí là hình ảnh, uy tín đã nhiều năm tạo dựng. Bởi không phải việc gì cũng đơn giản chỉ là quên đi hoặc xí xóa cho qua. Đặc biệt đối với ngành dịch vụ quản lý vận hành, luôn có những vấn đề ngoài ý muốn có thể xảy ra nên cần phải kiểm soát chặt chẽ. Ngược lại, nếu không khéo léo, tự chúng ta vô tình loại mình khỏi thị trường.

Ở SAVISTA Holdings, những quy trình và hệ thống chuyên nghiệp chính là cách kiểm soát rủi ro, hạn chế những sai sót, phòng tránh những hậu quả nặng nề. Đó là những hoạt động đồng bộ hóa các quy trình, xây dựng và tuân thủ chuẩn quản lý chất lượng, đánh giá lại chất lượng dịch vụ và cải thiện kịp thời, phân tích và quản lý rủi ro để xác định các vấn đề có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… 

Có thể nói, dấu chấm đen là hình ảnh minh họa của những sơ suất, sai sót, nhược điểm hoặc nghiêm trọng hơn thì đó là một sai lầm. Và dù nhỏ bé, chỉ là một chi tiết thôi, nó cũng gây sự chú ý lấn át phần trắng sạch còn lại. 

Làm sao để biến khuyết điểm (dù nhỏ) thành động lực phấn đấu tự hoàn thiện thì không phải ai cũng làm được. Chúng ta không thể tránh những sai lầm, nhưng hãy cố gắng hạn chế mắc sai lầm, rút ra những bài học kinh nghiệm, nghiêm túc, khách quan, bình tĩnh kiểm điểm bản thân để không lặp lại sai lầm cũ, để làm tốt hơn, thành công hơn trong công việc của mình.