CHẤN CHỈNH TÌNH TRẠNG BÁT NHÁO CỦA QUẢN LÝ CHUNG CƯ

02/06/2021 16:42:26
Bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ, ai cũng mong muốn có một nơi chốn an cư phù hợp, yên bình cho gia đình. Nhưng, thực tế ghi nhận tại một số chung cư lại không như vậy.

Ban quản lý đụng độ người dân

Không phải là chuyện mới, nhưng những phi vụ đụng độ giữa cư dân với ban quản lý của các chung cư diễn ra như cơm bữa khiến nhiều người ngán ngẩm.

Trường hợp mới nhất, Trưởng Ban quản lý chung cư New Saigon dẫn người lạ vào nhà đe dọa cư dân, sau một số mâu thuẫn trước đó. Vụ việc gây hoang mang trong dư luận khi đoạn clip ghi nhận được tung ra. Những cư dân tại chung cư này đều cho rằng không chấp nhận được lối hành xử của trưởng ban quản lý cũng như hai bảo vệ tòa nhà, những người tiếp tay cho người lạ đến căn hộ đe dọa cư dân.

Sau khi CafeLand vào cuộc phản ánh, Công ty CP BĐS Nhà Tôi (My House), đơn vị chịu trách nhiệm vận hành tòa nhà và là đơn vị chủ quản của trưởng ban quản lý đã tổ chức cuộc họp, làm rõ trách nhiệm với các bên liên quan, đình chỉ công tác trưởng ban quản lý và làm việc với công ty bảo vệ Phú Hưng Thịnh, đồng thời gửi lời xin lỗi đến nạn nhân, chị N.T.L. Sau đó, ông L.C.B, cựu trưởng ban quản lý của tòa nhà, người liên quan đến vụ việc cũng trực tiếp gửi lời xin lỗi đến chị N.T.L.

Vụ việc khép lại, nhưng nó vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vấn đề tồn tại ở các chung cư, nhất là một số chung cư cao cấp.

Trước đó, từng có nhiều vụ tương tự xảy ra tại các chung cư trên địa bàn TP.HCM. Người dân than thở về việc ăn chặn tiền, quản lý lỏng lẻo, tiếp tay cho sai phạm, đỉnh điểm, còn có người dân tố cáo ban quản lý, quản trị chung cư thiết lập lợi ích nhóm, bỏ qua quyền lợi hợp pháp của cư dân.

Anh Ngà (ngụ quận 12, TP.HCM) bày tỏ bức xúc: “Tôi bỏ tiền tỷ ra mua căn chung cư này, hơn 2 năm rồi giờ lại thấy ê chề. Tiền phí bảo trì, quản lý nộp đầy đủ, trong khi đó, quản lý nước và rác thải cực kỳ tệ, nguồn nước bẩn, an ninh lỏng lẻo, chung cư cao cấp có thang máy, có bảo vệ mà người lạ ra vào như chốn không người. Chán lắm.”

Không chỉ anh Ngà, thực trạng chung của nhiều chung cư, thậm chí là các chung cư cao cấp của các chủ đầu tư danh tiếng với mức giá sở hữu căn hộ không dưới 3 tỷ đồng/căn tùy diện tích, cư dân cũng than thở về ban quản lý, dù rằng, những người thuộc về ban quản lý này cũng là người dân sinh sống tại đây, hoặc được người dân ký hợp đồng thuê với điều khoản chặt chẽ.

Đi tìm giải pháp

Ở chiều ngược lại, nhiều đơn vị vận hành, quản lý tòa nhà cũng cho rằng, chính cư dân, những người sinh sống và sở hữu quyền lợi chính đáng tại các chung cư chưa quan tâm đến hoạt động tích cực của ban quản lý, ban quản trị thậm chí, chỉ khi có việc mới tìm đến ban quản lý, mới là nguyên nhân chính gây ra những mâu thuẫn. Bởi, sự hình thành và hoạt động của ban quản trị, ban quản lý không phải mang tính tự phát mà là được bầu chọn thông qua các hội nghị nhà chung cư và có các quy định cụ thể theo Pháp luật cho tổ chức này.

Ban quản lý ở tất cả các chung cư, toàn nhà Savista vận hành, quản lý đều làm tốt công tác của mình với cư dân

“Nguyên nhân chính là hai bên chưa hiểu nhau. Có thể một vài cư dân chưa hiểu về công việc cũng như công tác quản lý của ban quản trị tòa nhà; cũng có thể là Ban quản trị, Quản lý chưa đáp ứng kịp thời những nguyện vọng, mong muốn của cư dân.” – Đại diện Công ty Cổ phần Sài Gòn Triển Vọng (Savista) nhận định về vấn đề này.

“Thật ra, một công ty hoạt động về dịch vụ Bất động sản thì không bao giờ mong muốn xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn với cư dân. Hơn nữa, hiện nay pháp luật quy định việc thành lập, hoạt động của Ban quản trị, Ban Quản lý tòa nhà khá chặt chẽ. Cư dân hoàn toàn có thể giám sát hoạt động của Ban Quản Trị, Ban Quản lý để tránh xảy ra sai sót. Tuy nhiên, đa phần cư dân còn khá ít quan tâm đến các hoạt động tích cực của Ban Quản Trị, Ban Quản lý tòa nhà mà chỉ khi có sự cố, sự việc nào đó xảy ra thì mới xuất hiện những vấn đề ngoài mong muốn của hai bên.” – đại diện Savista nhấn mạnh.

Đại diện Savista cũng nhìn nhận rằng, có biểu hiện vụ lợi, lợi ích nhóm trong hoạt động của các ban quản lý, quản trị chung cư, nhưng đó chỉ là số ít, do một số ban quản trị, ban quản lý chưa nhận thức được hết vai trò của mình, nên hoạt động cầm chừng, sợ trách nhiệm, chưa quyết đoán… hoặc ban quản trị tự cho mình có quyền lực lớn, không tuân thủ theo quy chế hoạt động, tài chính đã thông qua ý kiến cư dân.

Để khắc phục tình trạng này, theo Savista, cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn thành viên ban quản trị. Đồng thời, ban quản trị bắt buộc phải là chủ sở hữu sinh sống ổn định lâu năm tại chung cư và tăng mức thù lao tương ứng với trách nhiệm họ đảm trách. “Đối với những hạng mục quan trọng, tất cả ban quản trị, quản lý tòa nhà đều kiểm tra, rà soát thường xuyên và khắc phục nhanh chóng và thông tin thường xuyên đến cư dân để tất cả đều hiểu và làm hài lòng lẫn nhau! Hơn nữa, hoạt động phải luôn tuân thủ pháp luật hiện hành.” – đại diện Savista cho biết.

Theo CafeLand