SAVISTA THAM DỰ HỘI THẢO “GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) CỦA UB PHÁP LUẬT – VP. QUỐC HỘI, TỔ CHỨC TẠI TP. ĐÀ NẴNG

08/08/2023 14:39:38

Sáng ngày 8/8/2023, tại Nhà khách Quốc hội (Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng), Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)”, do Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội chủ trì. 

Sự kiện thực hiện theo Kế hoạch số 1873/KH-UBPL15 ngày 28/6/2023 của Ủy Ban Pháp luật về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), để có thêm thông tin phục vụ việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) sắp tới đây. 

Hội thảo có sự tham dự của Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, Ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đại diện Sở Xây dựng một số tỉnh thành, cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý bất động sản trên cả nước: Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM; TS. Phạm Gia Yên – Nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Triển Vọng (SAVISTA); TS. Nguyễn Thị Nga – Trường Đại học Luật Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Đỉnh – Chuyên gia tư vấn độc lập về bất động sản, v.v… 

Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội phát biểu tại Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, với góc nhìn của một đơn vị chuyên môn có hơn 15 năm kinh nghiệm về quản lý vận hành bất động sản, Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty SAVISTA đã có báo cáo tham luận chuyên đề “Một số vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn thi hành, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và các kiến nghị liên quan đến các quy định về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”. 

Thực tế hiện nay, vẫn còn một số vướng mắc tồn tại trong quá trình thực thi pháp luật làm phát sinh tranh chấp, xung đột giữa Chủ đầu tư và Ban quản trị, giữa Ban quản trị và cư dân, giữa các chủ thể quản lý, vận hành chung cư và chủ sở hữu. Các vấn đề tập trung chủ yếu vào việc xác định sở hữu chung, sở hữu riêng, về hợp đồng quản lý vận hành, về việc thu, sử dụng kinh phí bảo trì, về tổ chức, hoạt động của ban quản trị chung cư… Theo ông Dũng, những vấn đề này cần được tiếp tục hoàn thiện và được thống nhất trong quy định của Luật Nhà ở mới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để việc thực thi pháp luật được đồng bộ và đảm bảo quyền lợi của người dân. Trong đó, điều quan tâm hiện nay chính là việc quản lý thu – chi và đảm bảo sử dụng quỹ bảo trì được hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty SAVISTA đại diện doanh nghiệp góp ý tại Hội thảo

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã có nhiều tham luận góp ý chuyên sâu các vấn đề như sở hữu chung – riêng nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà ở theo hợp đồng, việc sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, bố trí nhà ở tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời, những vướng mắc, hạn chế của pháp luật hiện hành về nhà ở xã hội… 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, việc quy định về công nhận quyền sở hữu nhà có thời hạn theo hợp đồng mua bán nhà ở có thời hạn giữa chủ đầu tư và khách hàng, cũng như hướng xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn, là một điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Vì vậy, cần nghiên cứu, rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng thời hạn sở hữu của một số loại hình nhà chung cư cần phải được xác định gắn liền với thời hạn sử dụng đất mà nhà nước giao cho chủ đầu tư, đồng thời cũng cần phải xem xét đến thời hạn sử dụng của chung cư nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống của cư dân khi chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc xuống cấp cần phải cải tạo.

Về vấn đề cải tạo nhà chung cư, theo các đại biểu, việc cải tạo nhà chung cư đang là một vấn đề xã hội rất lớn, liên quan đến quyền của công dân đã được Hiến pháp quy định. Theo thống kê, hiện nay có gần một nửa số chung cư được xây dựng trước năm 1994, đa số các chung cư đã xuống cấp. Vì vậy, cần phải có chính sách đặc biệt quan tâm đến vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sở hữu cũng như Chủ đầu tư. Đây còn là vấn đề an toàn xã hội, an toàn tính mạng của người dân nên cần phải có giải pháp điều chỉnh cho hợp lý. 

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu vì đã có các tham luận rất chi tiết, nhiều thông tin. Ông Sinh nhận định rằng, các tham luận của các đại biểu, chuyên gia đã nêu bật được các khó khăn, nhận xét tình hình thực trạng và đưa ra được các kiến nghị rõ ràng, rất đáng được quan tâm. Ông Sinh cho biết Bộ sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp và cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổng kết, đánh giá, nghiên cứu để đưa vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phù hợp.

Kết thúc buổi Hội thảo, Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao về tinh thần trách nhiệm cũng như nội dung của các tham luận gửi về. Hiện nay, tuy các ý kiến vẫn còn khác nhau nhưng Ủy ban Pháp luật Quốc hội sẽ ghi nhận hết các ý kiến để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý đưa vào dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của người dân và phù hợp với chính sách của nhà nước”.

Chi tiết vui lòng xem trong BÁO CÁO THAM LUẬN của SAVISTA.