TP.HCM CHƯA CÓ KINH NGHIỆM TRONG QUẢN LÝ CHUNG CƯ

05/04/2018 09:18:55
Baomoi - Đây là phát biểu của ông Huỳnh Cách Mạng – Phó Chủ tịch UBND TPHồ Chí Minh tại Hội nghị quán triệt thực hiện Chỉ thị 04 của UBND thành phố về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố, do Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) tổ chức sáng 04/4.

Toàn cảnh Hội nghị PCCC do HoREA tổ chức sáng 04/04

Trong đó, ông Mạng thừa nhận là thành phố có kinh nghiệm trong quản lý dân cư nhưng lại chưa có kinh nghiệm trong quản lý chung cư. Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn PCCC và quản lý nhà chung cư đã có tương đối đầy đủ, nhưng do nhiều lý do mà các đơn vị chức năng triển khai chưa triệt để dẫn đến sự việc đau lòng như vụ cháy chung cư Carina Plaza vừa qua.

Thực trạng PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, hơn 15 năm qua, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, phát triển nhiều chung cư, nhà cao tầng, và đã có hàng chục ngàn hộ gia đình lựa chọn sống trong căn hộ chung cư cao tầng.

Cùng với việc phát triển đó có rất nhiều cao ốc văn phòng, các khu phức hợp có nhiều công năng như văn phòng làm việc, thương mại, dịch vụ, ăn uống, vui chơi giải trí tập trung đông người.

Các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng đang được phát triển tại tất cả các quận, kể cả một số huyện giáp ranh như Nhà Bè, Bình Chánh. Các tòa nhà cao tầng đang tiếp tục được xây dựng với xu thế ngày càng cao hơn và ngày càng có nhiều tòa nhà chung cư cao trên 30 tầng.

Theo thống kê từ năm 2012 cho đến tháng 09/2016, toàn thành phố đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở. Riêng trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngày 23/3 vừa qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại chung cư Carina Plaza làm chết 13 người và 51 người bị thương.

“Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả mọi chủ thể có liên quan đến yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng. Các bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan PCCC, chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư, các hộ dân chung cư. Tất cả phải thay đổi nhận thức và hành động, đi đôi với yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống pháp luật PCCC, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng chống cháy cho nhà và công trình, với mục tiêu xây dựng chung cư, nhà cao tầng hiện đại phải đảm bảo an toàn, trước hết là an toàn PCCC”, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Châu cũng chỉ ra 7 nguyên nhân dẫn đến cháy gây hậu quả như: Chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC; không tổ chức thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn PCCC; hệ thống báo cháy chữa cháy không hoạt động dẫn đến việc phát hiện cháy của lực lượng tại chỗ không kịp thời, thông tin báo cháy chậm; lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC còn hạn chế…

Đảm bảo an toàn PCCC

Tham dự Hội nghị, các đại biểu cũng nêu ra nhiều kiến nghị thiết thực liên quan đến đảm bảo an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng như: Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải thi công đường vào chữa cháy đúng thiết kế lòng đường và đạt tải trọng cho xe chữa cháy; Khu vực để xe của dự án chung cư nhà cao tầng xây dựng mới phải tách biệt với khu ở; đối với cụm chung cư thì cần quy định các tầng thoát nạn với nhau để tạo điều kiện cho cư dân thoát nạn khi có sự cố; nâng cao công tác tập huấn, rèn luyện thuần thục kỹ năng thoát nạn cứu hộ cho người dân; tổ chức các chương trình giảng dạy về kỹ năng PCCC cho học sinh ngay từ bậc tiểu học; cần có kế hoạch nâng cấp, chỉnh trang khu hầm để xe ở các chung cư hiện nay…

Chung cư Nguyễn Thiện Thuật trên địa bàn TPHCM

Ông Nguyễn Văn Băng – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết: Do tên địa bàn TP Hồ Chí Minh có những chung cư xây dựng từ trước nên sẽ không đáp ứng được theo tiêu chuẩn hiện hành về an toàn PCCC ở nhà cao tầng như thang thoát hiểm, hầm để xe, hệ thống báo cháy… nhất là các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.

Tuy nhiên, do có một công trình khi đưa vào sử dụng thì không được duy tu bảo dưỡng dẫn đến hệ thống không hoạt động khi có sự cố xảy ra…Giải pháp an toàn được ông Băng đưa ra đối với cơ quan chức năng là cần nghiên cứu tiêu chuẩn, quy chuẩn để điều chỉnh đảm bảo công tác an toàn hơn.

Đối với chủ đầu tư cần thực hiện đúng ngay từ đầu theo các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn PCCC. Khi đã xây dựng làm theo đúng thiết kế và nghiệm thu về PCCC để trước khi đưa công trình vào hoạt động được an toàn và sau khi đưa vào sửdụng thì cũng phải tuân thủ các quy định về an toàn PCCC. Ngoài ra, cần kết nối cảnh báo nhanh về PCCC khi sự cố xảy ra sẽ được truyền ngay tới cơ quan cảnh sát PCCC mà không cần gọi điện báo.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên duy tu bảo dưỡng đảm bảo các thiết bị đều hoạt động tốt. Bởi thông thường khi cháy thường xảy ra từ nhỏ đến lớn vì vậy nếu phát hiện kịp thời thì xử lý được nhanh nhất.Đồng thời, cần xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ và tuyên truyền tích cực cho người sử dụng hiểu biết về an toàn PCCC.

Ngoài các quy định về PCCC thì chủ đầu tư chung cư cao tầng cần trang bị thêm thiết bị thoát nạn cho người dân như ống tuột, dây thả chậm…riêng nối dây hoặc thang dây thì có thể sử dụng ở những tầng thấp và dành cho người khỏe, còn người yếu dễ gây tai nạn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Cty Savista cho biết: “Về nguyên tắc PCCC ở các nhà cao tầng là một điều kiện bắt buộc, tuân thủ rất nghiêm ngặt. Do đó, tất cả các dự án khi hình thành và đưa vào sử dụng bắt buộc phải tuân thủ những quy định của pháp luật, trong đó có những quy phạm, quy chuẩn về vấn đề thiết kế xây dựng hệ thống PCCC và nghiệm thu. Vấn đề ở đây không phải là giải pháp, mà là tuyệt đối tuân thủ, các bên thực hiện đúng vai trò chuyên trách của mình”.

Cao Cường