Xung đột giữa các đối tượng sử dụng
Chuyên gia Nguyễn Văn Đực cho rằng, cần phải xem lại cho phép phát triển các dự án bất động sản có nhiều mục đích sử dụng như hiện nay. Trên thực tế, trong một tòa cao ốc hiện nay có rất nhiều loại hình bất động sản, đa dạng mục đích sử dụng căn hộ – văn phòng (Officetel) shophouse (căn hộ làm dịch vụ mua bán), trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… Một tòa nhà có quá nhiều mục đích sử dụng không chỉ làm xung đột giữa các đối tượng sử dụng mà còn làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Các loại hình căn hộ – văn phòng, căn hộ làm dịch vụ mua bán, trung tâm thương mại… có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ.
Vụ cháy chung cư Carina (TPHCM) làm chết 13 người và bị thương 91 người
Đại diện Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, các chủ đầu tư khi xây dựng các dự án cần tính đến phương án kết nối với Sở Cảnh sát PCCC. Trong trường hợp có hỏa hoạn thì Cảnh sát PCCC có thể phát hiện được ngay và can thiệp kịp thời. Cũng theo đại diện Sở Cảnh sát PCCC, các chủ đầu tư khi bắt đầu xây dựng các tòa nhà cần phải nghiên cứu xây dựng đúng quy chuẩn, quy định ngay từ đầu. Nếu xây dựng sai sẽ rất khó sửa chữa khắc phục. Bên cạnh đó, dự án sau khi đưa dân vào ở cần phải thiết lập ngay đội PCCC tại chỗ… Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Quản lý bất động sản Savista cho biết, về nguyên tắc PCCC ở các nhà cao tầng là một điều kiện bắt buộc, yêu cầu tuân thủ rất ngặt nghèo. Những quy phạm, quy chuẩn về vấn đề thiết kế xây dựng hệ thống PCCC và nghiệm thu cần phải được thực hiện nghiêm túc. Đây là vấn đề có tính sống còn, không phải là giải pháp nữa mà phải là tuyệt đối tuân thủ.
Nguy cơ cháy nổ rình rập chung cư cũ
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, toàn TP Hồ Chí Minh có 1.037 chung cư; có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, trong đó, có 15 chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng (cấp D). Nhiều chung cư cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy ra cháy nổ. Nhiều chung cư nhà ở tái định cư; chung cư nhà ở xã hội và một số nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng, trong đó, công trình PCCC chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy… Ông Lê Hoàng Châu cũng phản ánh, có chung cư, hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục “báo cháy giả” nên cư dân có thói quen “bình thản” khi nghe báo cháy, có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị “làm phiền”…
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, thực trạng yếu kém của công tác PCCC có một phần là nguyên nhân chủ quan. Cơ quan Cảnh sát PCCC có quyền kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hoặc bất thường đối với nhà chung cư, nhưng trên thực tế, công tác này có thể chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất là khâu hậu kiểm đối với chủ đầu tư trong việc chấp hành khuyến nghị, yêu cầu của Cảnh sát PCCC sau khi kiểm tra.
Tại hội nghị, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, trong đó quy định trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải thi công đường vào chữa cháy đúng thiết kế; quy định các thành viên Ban Quản trị chung cư phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, vận hành chung cư, trong đó, có kiến thức, kỹ năng về PCCC… Đồng thời kiến nghị phải công khai thông tin danh sách các chung cư không đảm bảo an toàn PCCC để công luận giám sát.