TP. Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 8 năm 2023
BÁO CÁO THAM LUẬN
“Một số vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn thi hành, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và các kiến nghị liên quan đến các quy định về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”
(Hội thảo “Góp ý về Dự thảo Luật Nhà Ở (sửa đổi) của UB Pháp Luật – Vp. Quốc Hội, tổ chức tại TP. Đà Nẵng)
—————————-
I. TỔNG QUAN
Từ Luật Nhà ở năm 2005 cho đến Luật Nhà ở năm 2014, đã đánh dấu các bước ngoặc về hoàn thiện thể chế và khung pháp lý cho thị trường nhà ở nói riêng và kinh doanh bất động sản nói chung. Có những điểm mới chưa có tiền lệ ngay từ thời điểm xây dựng luật Nhà ở 2005 như việc quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư, cách thức và mô hình quản trị nhà chung cư như thế nào, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp… cũng đã từng bước được đưa vào luật và cụ thể hóa bằng các Nghị định, Thông tư và hàng năm luôn được ghi nhận để bổ sung, cập nhật, sửa đổi nhằm hoàn thiện dần quy định pháp luật và theo kịp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Tuy thế kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành với quá trình gần 10 năm đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về thị trường nhà ở, đặc biệt là sự phát triển của nhà chung cư đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong thực tiễn. Đối với công tác quản lý – vận hành nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2016/TT-BXD kèm theo quy chế quản lý vận hành nhà chung cư. Sau đó, Thông tư 02/2016/TT-BXD đã được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 28/2016/TT-BXD, Thông tư 06/2019/TT-BXD và Thông tư 07/2021/TT-BXD (Văn bản hợp nhất 05/VBHN/BXD). Qua các lần điều chỉnh, bổ sung, đã giải quyết được phần nào các hạn chế, bất cập của các quy định khi áp dụng trên thực tế.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc tồn tại trong quá trình thực thi pháp luật làm phát sinh tranh chấp, xung đột giữa Chủ đầu tư và Ban quản trị, giữa Ban quản trị và cư dân, giữa các chủ thể quản lý, vận hành chung cư và chủ sở hữu. Các vấn đề tập trung chủ yếu vào việc xác định sở hữu chung, sở hữu riêng, về hợp đồng quản lý vận hành, về việc thu, sử dụng kinh phí bảo trì, về tổ chức, hoạt động của ban quản trị chung cư… những vấn đề này cần được tiếp tục hoàn thiện và được thống nhất trong quy định của Luật Nhà ở mới trong thời gian tới.
Với góc nhìn của một đơn vị chuyên môn có hơn 15 năm kinh nghiệm về quản lý vận hành nhà chung cư, Công ty Cổ phần Sài Gòn Triển Vọng (SAVISTA) xin báo cáo một số vấn đề bất cập, còn vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trong thực tiễn, đồng thời xin được phép đánh giá tính khả thi, hiệu quả và kiến nghị một số giải pháp nhằm tiến tới hoàn thiện các quy định pháp luật trong dự thảo Luật Nhà ở trong tương lai.
II. THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ
1. CÁC QUY ĐỊNH VỀ SỞ HỮU CHUNG – RIÊNG Ở CHUNG CƯ
1.1 Thực trạng
So với các quy định của Luật Nhà ở 2005, thì luật Nhà ở hiện hành cùng với các văn bản dưới Luật đã khắc phục được một số lỗ hổng, hạn chế mà từ đó nảy sinh rất nhiều tranh chấp giữa cư dân, Ban quản trị với chủ đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại các vướng mắc dẫn đến các tranh chấp và bức xúc của người dân. Điển hình như:
Liên quan đến diện tích sở hữu chung – riêng:
Tranh chấp xung quanh phần diện tích, tiện ích sở hữu chung, sở hữu riêng như tầng hầm và chỗ để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tập thể thao, các diện tích kinh doanh, cho thuê… do nhiều hợp đồng mua bán mập mờ, không rõ ràng theo hướng có lợi cho chủ đầu tư. Mặc dù Khoản 1 Điều 7 VBHN 05 quy định: “Phần diện tích và các hệ thống thiết bị thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư được xác định theo quy định tại khoản 2, Điều 100 của Luật Nhà ở và phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ. Kèm theo hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ phải có danh mục phần sở hữu chung theo quy định của Luật Nhà ở; phần sở hữu chung của nhà chung cư phải được sử dụng đúng mục đích, đúng công năng thiết kế được phê duyệt.” Tuy nhiên, thực tế vẫn có thể có trường hợp Chủ đầu tư thể hiện thiếu hạng mục sở hữu chung trong Hợp đồng mua bán (có thể do vô ý hoặc cố ý) và việc ghi thiếu này, người mua căn hộ nhiều khi không để ý. Điều này dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp khá gay gắt và kéo dài giữa cư dân, ban quản trị với chủ đầu tư.
Liên quan đến diện tích chỗ để xe:
Luật Nhà ở hiện hành quy định, chỗ để xe đạp, xe máy thuộc quyền sở hữu chung. Tuy nhiên, đối với chỗ để ôtô, người mua căn hộ phải thuê hoặc mua. Trường hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ôtô thuộc quyền quản lý của Chủ đầu tư, chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này không được tính vào giá bán căn hộ. Thực tế cũng rất khó chứng minh chủ đầu tư không tính chi phí xây dựng chỗ để ôtô vào giá bán nhà, chỗ để ôtô thường gắn liền diện tích mặt sàn công trình chung cư, cũng là một bộ phận không thể thiếu đối với công trình do vậy, việc bóc tách chi phí xây dựng chỗ để ôtô với giá thành bán căn hộ cũng khó rõ ràng và thiếu thuyết phục. Mặt khác các chung cư không có phân định rõ ràng giữa hai phần diện tích để xe 2, 3 bánh và xe ô tô mà chỉ ghi chung là bãi xe tầng hầm, dẫn đến tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về diện tích sở hữu chung – riêng của bãi xe.
1.2 Đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự thảo:
Theo quy định tại Điều 140 dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung thêm nội dung các thiết bị của hệ thống phòng cháy chữa cháy nằm bên trong căn hộ, phần diện tích khác thì vẫn thuộc quyền sở hữu chung là điểm mới có tính hiệu quả cao, giải quyết định vướng mắc của Ban quản trị trong việc sửa chữa, bảo trì các thiết bị này.
Theo quy định tại Điều 142 dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung thêm nội dung yêu cầu “trong hồ sơ thiết kế phải xác định rõ khu vực để xe ô tô và khu vực để xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh, xe đạp và xe cho người khuyết tật” và “chủ đầu tư có trách nhiệm công khai các chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này” đã giải quyết định cái gốc của tranh chấp giữa Chủ đầu tư và Ban quản trị trong thời gian vừa qua. Vì thực tế khi nhận bàn giao từ Chủ đầu tư, Ban quản trị không có căn cứ pháp lý để yêu cầu Chủ đầu tư phải công khai chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe ô tô dẫn đến việc Ban quản trị phải khiếu nại, khiếu kiện như hiện nay.
Chỗ để xe ô tô có thể được chủ sở hữu căn hộ mua hoặc thuê, việc mua hoặc thuê này có thể được ghi rõ trong Hợp đồng mua bán căn hộ hoặc hợp đồng riêng. Như vậy, trường hợp nếu người sở hữu căn hộ mua chỗ để xe ô tô bằng hợp đồng riêng, thì khi họ bán căn hộ của họ sở hữu có bắt buộc phải bán luôn chỗ để xe ô tô hay không? hay họ vẫn có quyền giữ lại chỗ để xe này mặc dù họ không còn sở hữu căn hộ tại chung cư đó. Trong khi dự thảo chỉ đề cập đến việc bố trí chỗ để xe ô tô của khu nhà chung cư phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các chủ sở hữu nhà chung cư trước sau đó mới dành chỗ để xe công cộng nên vấn đề này chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến bất cập sẽ có trường hợp cư dân đã bán căn hộ rồi, không còn sở hữu căn hộ nào tại chung cư nhưng vẫn còn sở hữu chỗ để xe.
1.3 Kiến nghị cho dự thảo luật:
i. Sử dụng từ “phòng cháy chữa cháy” để đồng nhất với các quy định pháp luật hiện nay trong việc sử dụng từ ngữ, bỏ từ “cứu hỏa” (Điểm b khoản 2 Điều 140. Phần sở hữu chung và sở hữu riêng trong nhà chung cư trong dự thảo luật).
ii. Cần quy định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư phải có trách nhiệm ghi rõ phần diện tích chung – diện tích riêng trong Hợp đồng mua bán, đồng thời cần quy định biện pháp chế tài để ràng buộc Chủ đầu tư phải thể hiện đầy đủ nội dung này. Hoặc có thể quy định: “Các hạng mục mà Chủ đầu tư không liệt kê ghi rõ là sở hữu riêng của chủ đầu tư trong hợp đồng hoặc trong quyết định phê duyệt dự án thì được xem là thuộc sở hữu chung”.
iii. Cần bổ sung quy định theo hướng khi chủ sở hữu bán căn hộ mà không còn sở hữu căn hộ nào khác tại chung cư thì phải bán luôn cả chỗ để xe ô tô này (trường hợp mua chỗ đỗ xe), trường hợp người mua sau không có nhu cầu mua chỗ để xe thì ưu tiên bán cho chủ sở hữu khác trong chung cư hoặc chủ đầu tư sẽ mua lại chỗ để xe.
2. MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG, QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BAN QUẢN TRỊ NHÀ CHUNG CƯ
2.1 Thực trạng
Nhìn chung luật Nhà ở 2014 đã tạo ra khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho tổ chức hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Ban quản trị nhà chung cư, tiệm cận với các quốc gia tiên tiến khác. Điều 103, 104 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định rất rõ và khá chi tiết về mô hình hoạt động, quyền và nghĩa vụ của ban quản trị nhà chung cư. Ngoài ra được quy định chi tiết tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng quy định về ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư; Thông tư số 06/2019/TT-BXD ban hành ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư. Ban quản trị nhà chung cư được thành lập thông qua bầu cử của các chủ sở hữu căn hộ chung cư và có một số quyền hạn nhất định như: Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở và quyết định của Hội nghị nhà chung cư; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này; Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn…. Nhiệm vụ, quyền hạn này có liên quan đến tài chính.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế xung đột giữa cư dân với Ban quản trị các chung cư ở nước ta đang ngày càng nhiều và phức tạp hơn, nhiều ban quản trị có dấu hiệu lạm quyền và thực hiện sai luật, điển hình một số trường hợp như:
- Quản lý, sử dụng số tiền bảo trì không đúng mục đích, chưa rõ ràng minh bạch.
- Mặc dù luật tách bạch giữa trách nhiệm quản lý quỹ bảo trì và quỹ vận hành, nhưng khá nhiều chung cư Ban quản trị “ôm đồm” quản lý luôn quỹ vận hành, thực tế này đã diễn ra tại khá nhiều chung cư ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
- Một số Ban quản trị chung cư hiểu chưa đúng vai trò của Đơn vị quản lý, từ đó Ban quản lý trở thành bộ phận giúp việc của mình chứ không còn là đơn vị cung cấp dịch vụ hoạt động độc lập theo chức năng luật định…
- Tư duy ngắn hạn nhiệm kỳ, không chú trọng vào những kế hoạch mang tính dài hạn cho chung cư như lập và thực hiện kế hoạch bảo trì bảo dưỡng trung hạn, dài hạn hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng chung cư… dẫn đến chung cư nhanh chóng xuống cấp và rút ngắn niên hạn sử dụng…
Sở dĩ có tình trạng trên là do (1) người dân chưa nắm vững quy định pháp luật; (2) thiếu chế tài và sự kiểm tra giám sát của cơ quan thực thi pháp luật; (3) cư dân thường tham gia một cách qua loa, phó mặc cho ban quản trị; (4) thiếu quy định về cơ chế đối trọng… Mặt khác, các thành viên Ban quản trị làm việc theo cơ chế tập thể và theo nhiệm kỳ, với tư cách đại diện cho cộng đồng cư dân tại chung cư nên về bản chất khác với một tổ chức/pháp nhân chính quy hoặc doanh nghiệp, nếu có bị xử phạt vi phạm hành chính, bị khởi kiện… thì thực chất tiền nộp phạt, tiền bồi thường (nếu thu được) cũng từ người dân đóng góp rất khó để quy trách nhiệm cá nhân. Vì thế cần thêm cơ chế đối trọng và quy trách nhiệm rõ ràng.
Các bất cập liên quan đến mối quan hệ giữa đơn vị quản lý, vận hành với ban quản trị nhà chung cư
Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đơn vị quản lý vận hành được quyền chủ động hoàn toàn việc cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành. Ban quản trị thực hiện vai trò giám sát để đảm bảo tuân thủ hợp đồng và thi hành các quyết định của HNNCC. Tuy nhiên, trên thực tế đơn vị quản lý, vận hành thường bị chi phối rất nhiều bởi các ý chí chủ quan không nằm trong khôn khổ quy định của pháp luật và kể cả trong phạm vi hợp đồng quản lý nên rất khó đảm bảo tính chuyên nghiệp và tính độc lập của một đơn vị cung cấp dịch vụ. Đặc biệt là đối với các loại hợp đồng quản lý, vận hành mà Ban quản trị là người thu kinh phí quản lý vận hành. Việc trên thực tế nhập nhằng giữa trách nhiệm điều hành, vận hành của Ban quản lý và trách nhiệm giám sát của Ban quản trị dẫn đến Ban quản trị “ôm” việc quản lý, điều hành còn Ban quản lý trở thành bộ phận giúp việc trong việc quản lý vận hành nhà chung cư…dẫn đến nội dung và mục đích của công tác quản lý vận hành nhà chung cư không đạt được như quy định cũng như tinh thần của luật. Việc vận hành không theo đúng quy trình nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị quản lý, kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thực hiện không đúng, không khoa học dẫn đến chung cư nhanh xuống cấp, giảm tuổi thọ máy móc thiết bị thiệt hại quỹ bảo trì….
2.2 Kiến nghị cho dự thảo luật:
a. Cần bổ sung thêm các quy định (có thể văn bản dưới luật) để quy định rõ hơn về cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan thực thi pháp luật và chế tài vi phạm;
b. Bổ sung thêm quy định Hội nghị nhà chung cư bầu chọn đơn vị quản lý với thời hạn hợp đồng tương ứng với nhiệm kỳ của ban quản trị (3 năm) thay vì 1, 2 năm như hiện nay để tránh bị chi phối bởi ý chí chủ quan khi muốn tái tục hoặc gia hạn tiếp hợp đồng;
c. Cần bổ sung thêm các quy định (có thể văn bản dưới luật) để quy định rõ hơn về trách nhiệm và mối quan hệ giữa đơn vị quản lý vận hành và ban quản trị trong việc quản lý, vận hành, bảo trì nhà chung cư.
d. Đơn vị quản lý ngoài việc chịu sự giám sát của Ban quản trị đồng thời có trách nhiệm báo cáo trước HNNCC thường niên về hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư với tư cách đơn vị cung cấp dịch vụ độc lập chịu trách nhiệm trước cư dân.
e. Về tổ chức hội nghị nhà chung cư:
Điều 143 đã bổ sung quy định “Về việc tổ chức họp Hội nghị nhà chung cư được thực hiện thông qua hình thức họp trực tiếp; trường hợp do dịch bệnh, thiên tai không thể họp trực tiếp thì được tổ chức họp trực tuyến hoặc kết hợp cả họp trực tiếp và họp trực tuyến”. Quy định của dự thảo rất sát với thực tế hiện nay, trao thêm hình thức tổ chức HNNCC thay vì bắt buộc phải họp trực tiếp như trước đây. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc tổ chức HNNCC.
Khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 quy định “Khuyến khích chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư” và xu hướng áp dụng công nghệ (định danh chủ sở hữu theo mã căn hộ) thì việc họp trực tuyến hoặc kết hợp cả họp trực tiếp và trực tuyến” sẽ giải quyết được vấn đề về (i) Số lượng chủ sở hữu hoặc người sử dụng được chủ sở hữu ủy quyền tham dự, (ii) Tư cách của chủ sở hữu là đúng.
Kiến nghị:
Cho phép HNNCC được tổ chức họp bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp cả họp trực tiếp và họp trực tuyến kể cả trong điều kiện bình thường (không có dịch bệnh, thiên tai).
2.3 Các điểm mới khác của dự thảo liên quan đến quy định này
a. Khoản 2 Điều 144: Nội dung “trường hợp chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư thì bao gồm cả đại diện chủ đầu tư” được đưa vào luật là phù hợp (khoản 2 Điều 20 Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 đã có quy định).
b. Khoản 4 Điều 144: “Khuyến khích người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật, phòng cháy chữa cháy tham gia Ban quản trị nhà chung cư” được đưa vào luật là phù hợp (Khoản 3 Điều 2 của Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 15/02/2016 đã có quy định)
c. Khoản 4 Điều 146: “Trong trường hợp chấm dứt hoạt động hoặc bãi miễn Ban Quản trị mà Ban Quản trị mới chưa được công nhận thì Ủy ban nhân dân cấp phường thực hiện các trách nhiệm của Ban Quản trị cho đến khi bầu và công nhận Ban Quản trị mới”.
Đây là nội dung mới cập nhật rất phù hợp với thực tế đã làm rõ thêm trách nhiệm của Ban quản trị khi hết nhiệm kỳ nhưng chưa bầu được Ban quản trị nhiệm kỳ mới và giải quyết được bất cập so với quy định tại khoản 3 Điều 17 VBHN 05 quy định: “Ban quản trị nhà chung cư quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này có nhiệm kỳ hoạt động 03 năm và được bầu lại tại hội nghị nhà chung cư thường niên của năm cuối nhiệm kỳ, trừ trường hợp họp hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu thay thế Ban quản trị.” Thực trạng hiện nay có rất nhiều trường hợp Ban quản trị hết nhiệm kỳ nhưng vì nhiều lý do khách quan dẫn đến không thể tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị nhiệm kỳ mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không có Ban quản trị để thực hiện các công việc điều hạnh tại chung cư.
Tuy nhiên, kiến nghị sửa chữ “chấm dứt hoạt động” thành “hết nhiệm kỳ”
2.4 Kiến nghị thêm nội dung trong Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (Thông tư của Bộ Xây dựng):
a. Tăng cường công tác giám sát, quản lý nhà nước đối với những người tham gia vào Ban quản trị.
b. Thành viên Ban quản trị từ nhiệm hoặc không phê duyệt do mâu thuẫn nội bộ.
Thực trạng có những trường hợp Trưởng, phó Ban Quản trị, hoặc có khi tất cả thành viên Ban quản trị nghỉ làm hoặc từ nhiệm khi chưa hết nhiệm kỳ và nhưng chưa đến kỳ hội nghị để bầu ban quản trị mới. Như vậy, trong thời gian này ai sẽ chịu trách nhiệm giữ quyền để điều hành các công việc tại chung cư, luật hiện nay đang bỏ trống. Có ý kiến cho rằng đơn từ nhiệm của thành viên ban quản trị phải được UBND phê duyệt thì mới có hiệu lực. Tuy nhiên, ý kiến này không phù hợp bởi quyền làm việc hay không làm việc là quyền của mỗi công dân, do đó, việc thành viên từ nhiệm cần phải được tôn trọng và có hiệu lực kể từ thời điểm có đơn từ nhiệm, bất kể đã được UBND phê duyệt hay chưa.
Mặt khác, cũng có trường hợp do các thành viên ban quản trị có mâu thuẫn nội bộ nên không có sự hợp tác, dẫn đến không ai phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí bảo trì, hoặc phê duyệt, ký hợp đồng sử dụng kinh phí bảo trì để bảo trì, sửa chữa hệ thống chung… như vậy, nếu trong thời gian này xảy ra các rủi ro, thiệt hại do chậm phê duyệt, ký hợp đồng thì ai sẽ chịu trách nhiệm và trách nhiệm ra sao? Luật hiện nay vẫn chưa có quy định.
Kiến nghị:
i. Trong trường hợp trưởng và phó Ban quản trị cùng nghỉ hoặc từ nhiệm nhưng chưa thể tổ chức hội nghị bầu Trưởng, phó ban mới thì các thành viên còn lại của Ban quản trị tự bầu ra Trưởng, Phó ban mới. Trường hợp tất cả các thành viên cùng nghỉ hoặc từ nhiệm, UBND cấp xã sẽ chỉ định cá nhân tham gia thành viên Ban quản trị và chỉ định người đại diện tạm giữ quyền Trưởng Ban quản trị cho đến khi Ban quản trị mới được bầu.
ii. Bổ sung quy định về trách nhiệm, hoặc quy định về chế tài đối với các thành viên ban quản trị khi chậm phê duyệt, ký kết hợp đồng bảo trì, sửa chữa hệ thống chung của chung cư và trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại trong trường hợp này.
Trang trước / Trang sau