Căn hộ cho thuê đứng hình trong mùa dịch
Kinh doanh khai thác căn hộ dịch vụ gần 5 năm nay tại thành phố Hồ Chí Minh, Bà Đinh Thị Kim Thơ, đang cư ngụ tại Phú Nhuận cho biết chưa bao giờ lâm vào cảnh vắng khách như hiện nay. Đang khai thác 12 căn hộ dịch vụ, mỗi căn có tổng diện tích 25-40m2… trước đây, bà Thơ cho thuê với giá 8 – 12 /triệu đồng/ tháng và luôn luôn kín phòng. Nhưng gần 2 tháng nay, số khách trả phòng cứ tăng dần mà lại rất ít người hỏi thuê mới. Đến nay, bà còn trống 10 phòng, còn 2 phòng cũng đang rục rịch chuyển đi. Dán bảng cho thuê trước nhà không hiệu quả nên mấy ngày nay bà đã phải đăng lên mạng xã hội để tìm khách thuê. Tuy nhiên đến cuối tháng 3 việc kinh doanh bị chững lại hẳn do có chỉ đạo từ cơ quan chính quyền về việc quản lý các cơ sở lưu trú, du lịch trong thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Loại hình căn hộ dịch vụ với nhiều tiện nghi đang là sự lựa của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ
“Trước đây, hai vợ chồng tôi gom góp tiền tiết kiệm và vay ngân hàng thêm 1 tỷ để đầu tư làm căn hộ dịch vụ, bây giờ không biết làm sao trả nợ khi mà doanh thu hàng tháng không còn. Chỉ mong dịch bệnh mau qua, chứ tình hình này mà kéo dài thì chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc trả lãi vay cũng như duy trì hoạt động”, bà Thơ buồn rầu chia sẻ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các căn hộ chung cư cho thuê. Ông Nguyễn Ngọc Phong ở quận Bình Thạnh cho biết, ông đăng tin cho thuê căn hộ 70m2 ở chung cư trên đường Bùi Hữu Nghĩa với giá 6 triệu đồng/tháng, giảm 2 triệu đồng so với trước đây, thế nhưng gần 3 tháng nay vẫn chưa có ai hỏi. “Vẫn có vài khách ghé qua xem nhà, nhưng đa số đều còn cân nhắc nhiều. Họ mong muốn kiếm được giá thuê hời và ký hợp đồng lâu dài nhưng giá này tôi chỉ hỗ trợ trong sáu tháng đầu, sau đó sẽ quay về giá thuê cũ” – ông Phong cho biết.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các nhà đầu tư căn hộ dịch vụ phải đứng trước nhiều thách thức để vượt qua tình hình khó khăn hiện tại
Theo các chuyên gia BĐS, mua căn hộ rồi cho thuê lại là cách đầu tư mang lại lợi nhuận khá tốt cho các nhà đầu tư, những năm trước đây, lợi tức cho thuê căn hộ khoảng 6% – 7%/năm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư vừa có nhà, vừa có thêm một khoản sinh lời đều đặn để góp thêm vào dòng vốn mỗi tháng. Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay có lẽ là kịch bản bất ngờ mà không nhiều nhà đầu tư không lường trước. lợi tức hiện nay chỉ còn 4,5% – 5% và vẫn đang tiếp tục giảm, mức này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong khi đó nhà đầu tư phải trừ đi các loại thuế, phí môi giới, sửa chữa… Tình hình đặc biệt còn khó khăn hơn nhiều đối với những nhà đầu tư vay nợ ngân hàng và dùng tiền thuê nhà để trả lãi hàng tháng.
Cầm cự và cải thiện – đâu là giải pháp?
Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên còn khá sớm để đưa ra kết luận về tác động ngắn hạn và dài hạn của dịch bệnh tới thị trường khai thác căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần phải tính đến phương án để giảm thiểu tác động xấu, cầm cự và cải thiện để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đối với các nhà đầu tư đang phải thuê lại bất động sản để kinh doanh CHDV – CHCT nên cân nhắc về mức độ ảnh hưởng kinh tế giữa việc tiếp tục duy trì hoạt động hoặc tạm ngừng kinh doanh để tránh chi phí “chết” quá cao, có thể tính tới phương án linh động khai thác giá trị cộng thêm khác của BĐS để tạo ra nguồn thu mới.
Chị Phạm Ngọc Điền – Trưởng bộ phận kinh doanh CHDV công ty SAVISTA chia sẻ “ Đối với Chủ nhà cá nhân có thể xem xét mức điều chỉnh mức giá cho thuê thích hợp để thu hút khách thuê mới có nhu cầu cũng như hỗ trợ giữ chân các khách thuê hiện hữu trong giai đoạn hiện tại. Trong thời gian chờ thời điểm thích hợp vẫn phải duy trì việc vệ sinh, bảo dưỡng căn hộ. Đối với tòa nhà CHDV kinh doanh ngắn và dài hạn: thời gian này nên tập trung vào các công tác chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch bệnh. Cụ thể như xây dựng, hoàn thiện các quy trình công tác quản lý, xây dựng phát triển kênh bán hàng online. Bên cạnh đó phải xem xét các vấn đề liên quan đến chi phí, cắt giảm những chi phí không cần thiết.
Chị Phạm Ngọc Điền – Trưởng bộ phận kinh doanh CHDV công ty SAVISTA
Cầm cự và cố gắng xoay xở để duy trì một phần thu nhập vừa đủ, sau khi dịch bệnh qua đi, tình hình kinh doanh chắc chắn sẽ cải thiện. Và bên cạnh những khó khăn cũng có những cơ hội cho những nhà đầu tư mới trong thị trường chuyển nhượng. Những nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị nguồn vốn từ trước có thể tìm thấy được những dự án kinh doanh chuyển nhượng với mức giá tốt trong thời gian này”.
Vi Nguyễn