[CHUYỆN NGHỀ] – BẠN KHÔNG CHẠY, NGƯỜI KHÁC VẪN CHẠY. BẠN KHÔNG GIỎI, NGƯỜI KHÁC VẪN GIỎI. VẬY AI SẼ LÀ NGƯỜI THẤT BẠI NẾU KHÔNG PHẢI LÀ BẠN?

28/07/2018 09:33:42

“Đến được với nghề là điều hoàn toàn không dễ dàng. Hãy xác định rằng bạn phải thực sự đổ mồ hôi và đánh đổi nhiều thứ để theo đuổi điều bạn muốn.”

Anh Lê Tấn Huy – Trưởng phòng Công nghệ thông tin chia sẻ: “14 năm theo nghề, dành 5 năm gắn bó cùng SAVISTA. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Hai năm đầu tiên bước chân vào Công ty, anh là một nhân viên quản trị hệ thống. Với 1 lý tưởng xây dựng hệ thống đặc thù cho công ty, không như các đơn vị sản xuất và bán bên ngoài thị trường. Anh giữ vị trí Quản lý dự án phần mềm, tiếp tục cùng đồng nghiệp thiết kế, xây dựng hệ thống ERP – một hệ thống tập hợp các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục đích quản lý tổng thể các nguồn tài nguyên doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự kiểm soát được các nguồn lực của mình. “Thời điểm bắt đầu đã không ít khó khăn, nhưng hãy nghĩ khó khăn, thử thách chỉ là tạm thời”. Bí ẩn của thành công chính là sự kiên định của mục đích.

“Mệt mỏi, căng thẳng và áp lực”, đó là những trạng thái thường xuyên gặp phải khi đã gắn lên mình cái mác của “dân lập trình”. Một khó khăn đầu tiên và không hề nhỏ để có thể được ghi tên vào hàng ngũ “lập trình viên” chính là khi phải thuộc nằm lòng các kiến thức cơ sở. Logic trong tư duy, tỉ mỉ đến từng chi tiết, vừa có thể làm việc nhóm, vừa phải có tính tự lập cao…Tất cả những yếu tố đó tạo nên sự sáng tạo, say mê trong công việc đối với dân lập trình. Đó chính là đặc thù riêng biệt. 
Cái nghề này nó khác với những nghề khác là vậy! Người lập trình viết phần mềm lại sử dụng và giao tiếp bằng ngôn ngữ máy tính, các nền tảng lập trình từ Microsoft nghe tưởng chừng như khô khan nhưng không phải vậy, nó vẫn có những thú vị riêng của nó!

Đã từng có những dự án đòi hỏi phải thức thâu đêm chạy đua cùng thời gian để hoàn thành đúng tiến độ. Và nếu chẳng may, sản phẩm bị lỗi, thì việc ngồi mày mò lại từng dấu chấm, dấu phẩy cũng ngốn không ít thời gian và sức lực. Đôi khi “đứa con thai nghén” đã được ra đời nhưng đáp lại những ngày “vật lộn” của bạn lại chỉ là những cái lắc đầu từ phía đối tác

“Hãy khẳng định bản thân từ những điều nhỏ nhất, đừng ngại “giấu dốt”, chính là điều mà anh muốn nhân viên của mình luôn hiểu, tiếp cận vấn đề có thứ tự và luôn chú ý tới chi tiết, anh không ngại giao cho nhân viên của mình những công việc khó. Bởi có sai thì mới có kinh nghiệm, biết mình sai ở đâu mà khắc phục. Cái mình chưa biết thì nên trung thực mình chưa biết, để được học tập từ người khác, từ đồng nghiệp, từ người đi trước kiến thức lẫn kinh nghiệm. Vì đây là 1 lĩnh vực khá rộng, nếu bảo thủ ý chí sẽ không thể phát triển được.

Thế giới lập trình luôn có những xu hướng công nghệ sẽ thay đổi trong tương lai, nó có thể là mới trong thời điểm bạn đang code nhưng trải qua vài năm thì có thể nó đã quá lạc hậu so với sự phát triển hiện tại. Đó thật sự là một trở ngại, một điểm khó phải đối mặt thường xuyên trong suốt tuổi thọ của nghề lập trình. Bởi lẽ, bạn không chạy, người khác vẫn chạy. Bạn không giỏi, người khác vẫn giỏi. Vậy ai sẽ là người thất bại nếu không phải là bạn “Và để có thể áp dụng kịp được công nghệ mới cần phải có nhiều thời gian tiếp xúc và sử dụng mới khai thác triệt để được”. Đối với anh “Không có hệ thống tốt nhất, chỉ có hệ thống phù hợp nhất với doanh nghiệp” anh Huy chia sẻ.

Có thể nói rằng, đôi lúc sẽ thật sự mệt mỏi, nhàm chán vì cứ phải ngồi một chỗ, nhìn chăm chăm vào màn hình máy tính để gõ những đoạn code hay tìm để sửa từng lỗi nhỏ như dấu chấm dấu phẩy. Từ đó họ thường nghĩ và gắn mác cho dân lập trình chắc sẽ lắm khô khan. Nhưng không đâu nhé! Các lập trình viên nếu không có sự cần mẫn và nghiêm túc với nghề, thì đâu thể có những phần mềm hay và hấp dẫn cho người dùng.