ĐẶC SAN THỊ TRƯỜNG TOÀN CẢNH BĐS, BÁO ĐẦU TƯ: LẤY LÒNG CƯ DÂN

03/02/2021 11:21:03
Khi dự án bất động sản được hình thành và đi vào hoạt động, cũng là lúc diễn ra cuộc ganh đua quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành quản lý, vận hành... nhằm lấy lòng cư dân.

Dấu ấn thương hiệu ngoại

Theo ghi nhận của Đặc san Toàn cảnh thị trường Bất động sản, Tập đoàn Novaland có 10 dự án thì tất cả đều được quản lý, vận hành bởi các đơn vị nước ngoài như CBRE, Savills… Tương tự, các dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng được giao cho CBRE quản lý.

Hay như tại dự án khu biệt thự ven sông Nine South Estates Nhà Bè, từ những ngày dự án được hình thành, Tập đoàn VinaCapital và VinaLiving (chủ đầu tư) đã chỉ định Jones Lang LaSalle (JLL) là đơn vị tham gia quản lý, vận hành dự án.

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) cho biết, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp trong nước bị lép vế trước các doanh nghiệp quản lý, vận hành dự án bất động sản nước ngoài là do thua kém về giá trị thương hiệu và chất lượng dịch vụ.

“Phải thừa nhận một điều rằng, yếu tố thương hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài là rất mạnh, chất lượng dịch vụ cũng rất tốt, cộng thêm xu hướng sính ngoại cũng là rào cản lớn đối với doanh nghiệp nội”, ông Thành nói.

Chia sẻ thêm về nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội thua ngay trên sân nhà, ông Thành cho biết, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp trong nước tiếp cận dự án bằng cách cạnh tranh về giá hoặc tạo ra những cơ chế ưu đãi riêng, dẫn đến tự gây áp lực cho nhau, hạ thấp uy tín, thương hiệu. “Khi giá dịch vụ thấp thì khó có thể kỳ vọng chất lượng phục vụ sẽ cao và càng ‘dìm’ giá dịch vụ xuống thì cũng đồng nghĩa với việc càng hạ thấp thương hiệu của các doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.

Tương tự, ông Vũ Tiến Thành, Tổng giám đốc DKRA Property Management, thành viên DKRA Vietnam cho biết, khi giá thành dịch vụ thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài, điều tất yếu là chất lượng, tiêu chuẩn dịch vụ và nhân sự của doanh nghiệp Việt cũng ở mức “tiền nào của nấy”.

“Các doanh nghiệp Việt thường có quy mô nhỏ lẻ, dễ bị xoáy vào vòng luẩn quẩn. Các doanh nghiệp mới và nhỏ thường ít dự án, muốn lấy được dự án thì giá thành đấu thầu phải rẻ, giá rẻ mà không có tiềm lực tài chính để bù lỗ thì không cung cấp được dịch vụ tốt do tiêu chuẩn, nhân sự dịch vụ bị cắt giảm. Điều này dẫn đến dịch vụ không tốt và bị cắt hợp đồng. Chưa kể, sự an toàn của chủ đầu tư và tâm lý sính ngoại của khách hàng (chủ sở hữu) cũng là một rào cản không nhỏ”, đại diện DKRA Property Management chia sẻ.

Theo lý giải của ông Thành, khách hàng khi mua một căn hộ, ngoài việc xem các yếu tố về địa thế, địa hình, còn quan tâm đến các vấn đề như năng lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị quản lý vận hành… Các doanh nghiệp quản lý, vận hành nước ngoài, cơ bản đã được thị trường trong và ngoài nước kiểm chứng về uy tín và năng lực. Do đó, việc chủ đầu tư ký hợp đồng với một đơn vị quản lý vận hành nước ngoài, nhằm quảng bá cho sản phẩm ở ngay giai đoạn thi công, mở bán cũng là điều bình thường.

Đồng quan điểm, bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Venus Corp bổ sung thêm, doanh nghiệp Việt lép vế trước doanh nghiệp ngoại còn do tính tự phát, thiếu sự chuyên nghiệp trong công tác quản lý, vận hành dự án…

“Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản do doanh nghiệp nội quản lý để xảy ra tình trạng mất cắp, tranh chấp chung – riêng, thậm chí có đơn vị quản lý còn bơm cả nước giếng khoan để cấp vào bể chứa nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cư dân… Thực tế này đang tác động xấu tới thương hiệu Việt trong ngành quản lý vận hành”, bà Hương nói.

Làm gì để “lấy lại” sân nhà?

Chia sẻ về tiêu chí lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án đều cho rằng, đó là thái độ cầu thị, thiện chí, luôn lắng nghe ý kiến của cư dân và chủ đầu tư.

Đặc biệt, một đơn vị quản lý “có tâm” sẽ luôn tối ưu chi phí cho cư dân bằng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và thiết lập tiêu chuẩn xanh trong quản lý. Chính những điều này sẽ tạo nên giá trị nhân văn đích thực cho cộng đồng, từ đó góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và nâng cao giá trị cho bất động sản.

Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Duy Thành cho biết, thế mạnh của những doanh nghiệp quản lý, vận hành nội là đều có chủ doanh nghiệp là những người trong nghề, có kinh nghiệm và chuyên môn điều hành. Điều này sẽ giúp việc tương tác giữa đơn vị quản lý, vận hành với cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư, hay các cơ quan chức năng được nhanh chóng và kịp thời hơn…

“Các lãnh đạo doanh nghiệp quản lý, vận hành nên tích cực tham gia vào các hội, nhóm trên mạng xã hội do cư dân lập ra để theo dõi, nghe ngóng tình hình và kịp thời xử lý những phản ánh của cư dân. Sự hài lòng của cư dân chính là thước đo chuẩn nhất đối với mỗi doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ”, ông Thành nói.

Còn theo quan điểm của ông Vũ Tiến Thành, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của các đơn vị trong nước hiện nay hoàn toàn có khả năng quản lý, vận hành những dự án có quy mô lớn và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Đơn giản và dễ nhận thấy nhất, hầu như các nhân sự quản lý vận hành trong các dự án cao cấp phần lớn là người Việt. Hiện nay, có một vài doanh nghiệp Việt có số lượng dự án, quy mô, độ phủ không kém gì các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Tổng giám đốc DKRA Property Management, thời điểm 10 năm trước, khi ngành quản lý vận hành tòa nhà là ngành vừa du nhập vào Việt Nam, còn khá mới mẻ, trong khi ngành này đã phát triển từ hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm tại các nước trên thế giới. Do đó, các đơn vị nước ngoài có lợi thế đi trước về quy trình quản lý và những kinh nghiệm đúc kết được qua quá trình quản lý thực tiễn.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài đã từng bước được các doanh nghiệp trong nước thu hẹp. Các doanh nghiệp nội đã dần khẳng định vị thế bằng kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm. “Điều quan trọng nhất, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế rất lớn là am hiểu luật pháp, văn hoá, con người Việt Nam. Công việc quản lý của doanh nghiệp nội sẽ thuận lợi hơn trong việc giải quyết những vấn đề xảy ra tại chung cư, nhất là các tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân”, ông Vũ Tiến Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thụy Thảo Vi, Giám đốc Marketing Công ty Savista cho biết, hiện tại, cơ hội đang chia đều cho tất cả, thậm chí doanh nghiệp nội đang chiếm ưu thế hơn. Bởi hiện nay, dù là doanh nghiệp nội hay doanh nghiệp ngoại quản lý vận hành dự án thì đều sử dụng nhân sự là người Việt để thực hiện.

“Hiện tại, các tiêu chí mà chủ đầu tư và cư dân đưa ra để lựa chọn đơn vị quản lý vận hành là phải cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý, cuối cùng là xem xét những giải pháp mà công ty đem tới trong việc quản lý vận hành”, bà Vi nói và cho biết thêm, dù là doanh nghiệp ngoại hay nội thì cũng đều phải có quy trình quản lý chuyên nghiệp, nhân sự chuyên nghiệp, mọi thứ liên quan đến sổ sách đều phải minh bạch… là sẽ đạt tiêu chuẩn.

Cũng theo đại diện Savista, một trong những yếu tố giúp các công ty nước ngoài chiếm lĩnh được thị phần quản lý, vận hành dự án bất động sản tại Việt Nam là nhờ áp dụng công nghệ, từ đó tạo ra tiện ích đầy đủ, nhưng hiện nay, không ít doanh nghiệp nội cũng đã triển khai và áp dụng công nghệ trong quá trình quản lý vận hành dự án. Tuy nhiên, việc này mới chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính cũng như kinh nghiệm. Do vậy, nếu muốn giành lại thị phần, các doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, vận hành. Ngoài ra, quy trình quản lý, vận hành cũng cần được minh bạch để tăng niềm tin đối với cư dân, cộng đồng. 

Việt Dũng

Theo Đặc san Toàn cảnh thị trường Bất động sản, Báo Đầu tư