Thị trường địa ốc đang bước vào giai đoạn trầm lắng với tín hiệu rõ nét về sự sụt giảm lượng giao dịch. “Khó khăn” là nhận định chung của các doanh nghiệp địa ốc, nhà đầu tư.
Theo HoREA, tình hình khó khăn của thị trường bất động sản do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết là tác động từ các xung đột địa chính trị, lạm phát gia tăng tại nhiều nước có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng, cần nhận rõ nguyên nhân chủ quan là chủ yếu bắt nguồn từ nội tại nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta.
Đồng thời, có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại như xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, muốn tối đa hoá lợi nhuận, chưa thật bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng. Cá biệt có doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, có trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.
HoREA cho rằng, có nguyên nhân từ phía các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là nhà đầu tư lướt sóng, trong đó có lực lượng đầu nậu, môi giới, đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường bất động sản kích động hành vi tranh mua, tranh bán hoặc bán tháo theo “tâm lý đám đông”.
Đáng chú ý, Hiệp hội đề nghị thống nhất quan điểm là không giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản. Mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết; doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu, để doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Bày tỏ quan điểm xoay quanh những tranh luận “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản hay “giải cứu” thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong những năm qua đầu tư quá dàn trải, không tập trung vào các dự án trọng điểm, sản phẩm mà đại đa số người có nhu cầu cần thiết.
“Các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cứu lấy mình. Nếu sản phẩm đang bán giá quá cao, xem xét có sự điều chỉnh để người dân tiếp cận được. Còn Chính phủ tháo gỡ cho thị trường sẽ đưa ra các chính sách, giải pháp, còn đáp ứng, xoay xở được đến đâu là ở phía doanh nghiệp. Sẽ không có chuyện bơm tiền để cứu doanh nghiệp hay thị trường”, vị chuyên gia nêu.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trên thế giới không quốc gia nào đặt vấn đề giải cứu các doanh nghiệp bất động sản vì thị trường bất động sản cũng được coi như một trong các loại thị trường hàng hóa khác.
Theo GS. Võ, kinh nghiệm tại các nền kinh tế phát triển cho thấy, Chính phủ hay cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có những biện pháp “giải cứu” thị trường bất động sản khi nợ xấu của các dự án bất động sản gây hại cho thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, nếu khó khăn của thị trường bất động sản xảy ra ở mức độ cao hơn, làm cho thị trường tín dụng bị ảnh hưởng do nợ xấu, do làm mất niềm tin của người mua trái phiếu, cổ phiếu, thì tùy tức mức độ mà Nhà nước đưa ra các giải pháp hỗ trợ.
Theo CafeF
Link bài viết: https://cafef.vn/horea-thong-nhat-quan-diem-khong-giai-cuu-bat-dong-san-20221210082829854.chn