NGHỀ MỚI TOANH CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT: QUẢN LÝ BẤT ĐỘNG SẢN

27/05/2019 09:46:56

Có mặt trên thế giới từ lâu, nhưng tại Việt Nam, nghề Quản lý bất động sản chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây, khi các tòa cao ốc bắt đầu mọc lên nhiều hơn.

Nghề “quản gia” thời hiện đại

Các cao ốc văn phòng, chung cư, căn hộ, khu dân cư, khu đô thị… mọc lên liên tục khiến nhu cầu về chế độ hậu mãi cho khách hàng, quản lý, vận hành dự án liên tục tăng. Nghề Quản lý bất động sản được hình thành từ đó.

Sinh viên trường Đại học Tài chính – Marketing tìm hiểu về công việc quản lý bất động sản của Công ty Savista tại dự án căn hộ Dockland (Q.7, TP. HCM)

Hiểu một cách nôm na, Quản lý bất động sản cũng giống như làm “quản gia” với cấp độ chuyên nghiệp cao hơn và quy mô lớn hơn.

“Chúng tôi quản lý từ hệ thống kỹ thuật hạ tầng như thang máy, điện, nước, chiếu sáng… cho đến các dịch vụ tiện ích như bảo vệ, vệ sinh, cây xanh để đảm bảo sao cho cuộc sống của cư dân được tiện nghi và thoải mái nhất”, anh Duy Thế, trưởng ban quản lý tòa nhà văn phòng H. (Q.1, TPHCM), cho biết.

Nghề Quản lý bất động sản cũng thường xuyên tiếp xúc và giải quyết những yêu cầu của khách hàng, nên nghề này còn bao gồm cả kỹ năng giao tiếp.

Chị Nguyễn Thị Hương, Trưởng ban quản lý dự án chung cư City Land Park Hills thuộc Công ty Savista chia sẻ: “Quản lý bất động sản là một nghề thú vị, mình vừa là người quản lý, vừa là người phục vụ. Thế nên, để có thể hoàn thành tốt công việc, đòi hỏi người quản lý bất động sản phải nắm vững các quy trình, hiểu biết tường tận các ngóc ngách của dự án, có sự phối hợp tốt với các bộ phận và đặc biệt là có kỹ năng mềm trong việc xử lý những tình huống phát sinh”.

Các thành viên trong Ban quản lý dự án City Land Park Hills (Q. Gò Vấp, TP. HCM) thuộc Công ty Savista

Nghề non trẻ nhưng tiềm năng lớn

Là một ngành nghề trẻ nhưng sức bật của ngành nghề Quản lý bất động sản tại Việt Nam trong những năm gần đây rất đáng ghi nhận. Bên cạnh các doanh nghiệp ngoại cung ứng dịch vụ này, thị trường cũng đang đón chào nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia.

Thực tế cho thấy, tiềm năng của ngành nghề Quản lý bất động sản là rất lớn. Tốc độ tăng trưởng của thị trường nhà ở chưa bao giờ hạ nhiệt, cùng với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, khiến các chủ đầu tư chú trọng đến công tác quản lý, vận hành dự án của mình hơn, chứ không đơn thuần chỉ tập trung vào phát triển và kinh doanh như trước đây.

Cơ hội là thế, nhưng ngành Quản lý bất động sản cũng đối mặt với một số thách thức, nổi bật là sự thiếu hụt của nguồn nhân lực. Số lượng cơ sở giáo dục đào tạo nghề này cũng chưa nhiều.

Ký kết hợp tác giữa Công ty Savista và Trường ĐH Tài chính – Marketing (TP.HCM) trong việc đào tạo ngành Quản lý bất động sản

Trước tình hình đó, nhiều công ty quản lý bất động sản đã phải chủ động tự tìm cách phát triển nguồn nhân lực cho riêng mình.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn & Quản lý bất động sản Savista, một doanh nghiệp Việt trong ngành quản lý bất động sản, cho biết: “Chúng tôi liên kết chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành này, hoặc những ngành có liên quan, hỗ trợ sinh viên đi kiến tập, thực tập tại các dự án mà chúng tôi quản lý, sẵn sàng tuyển dụng sinh viên vào làm việc ngay khi ra trường”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (đứng thứ hai từ trái qua) – TGĐ Công ty Savista trong lễ ký kết nhận quản lý Trung tâm thương mại SaiGon Metro Mall