BAN QUẢN LÝ SAVISTA KÊU GỌI CƯ DÂN CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG KIẾN BA KHOANG

27/05/2019 16:46:20

Đầu mùa mưa, kiến ba khoang đang tràn vào những tòa nhà cao tầng tấn công cư dân khiến nhiều người bị lở loét cơ thể. Trước tình hình đó, Ban quản lý tòa nhà City Gate (Q.8, TP. HCM) thuộc Công ty Savista đã đưa ra thông báo kêu gọi người dân cần chủ động phòng chống kiến ba khoang.

Phập phồng lo sợ kiến ba khoang

Vừa thức dậy vào sáng sớm, nam sinh viên ngụ tại Ký túc xá Đại học Quốc gia, TPHCM phát hiện trên cổ có vệt đỏ, cảm giác bỏng rát. Một ngày sau, vết thương bắt đầu lan rộng và ăn sâu gây cảm giác ngứa, đau rát nhiều hơn. Đến gặp bác sĩ, nam sinh được xác định bị nọc độc của kiến ba khoang gây viêm, nhiễm trùng da.

Kiến 3 khoang tấn công trên cơ thể người gây bỏng rát

Cùng tình trạng trên, nhiều sinh viên khác tại Ký túc xá Đại học Quốc gia, TPHCM cũng bị kiến ba khoang tấn công. Tâm lý hoang mang lo lắng bao trùm khiến hàng chục nghìn sinh viên bất an, lo ngay ngáy trong cả giấc ngủ. Nhiều sinh viên sau khi bị kiến đốt đã dùng thuốc tím để bôi lên vết thương nhưng tình trạng viêm nhiễm không thuyên giảm.

Để hạn chế mối nguy do kiến ba khoang gây ra, ngoài những khuyến cáo về các giải pháp phòng ngừa, ngày 27/5, Trung tâm Quản lý Ký túc xá bắt đầu triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt kiến ba khoang tại các tòa nhà và toàn bộ khuôn viên ký túc xá.

Ban quản lý chung cư kêu gọi người dân chủ động phòng chống kiến ba khoang

Người dân sống ở các chung cư cao tầng cũng đang trong tâm trạng hoang mang khi kiến ba khoang liên tiếp tấn công, diệt kiểu gì cũng không hết. Chị Lan Phương, ngụ tại chung cư Tara Residence (quận 8, TPHCM) cho hay: “Gia đình tôi mới dọn tới đây hơn 1 tháng, khoảng 2 tuần trước, con gái tôi bất ngờ bị một vệt đỏ trên mặt nhưng không rõ nguyên nhân, tôi cứ nghĩ con mình bị giời leo. Đến khi chồng tôi dọn nhà, anh bị kiến đốt nổi mẩn đỏ, viêm loét nhiều nơi trên cơ thể, gia đình tá hỏa nhận ra nhiều kiến ba khoang đang ẩn náu trong nhà. Nhiều ngày qua, tôi dùng bình xịt để diệt nhưng hết lớp kiến này lại đến lớp kiến khác bò vào nhà… sợ quá”.

Chủ động hỗ trợ cư dân sinh sống tại chung cư City Gate Towers nhận biết và phòng chống kiến ba khoang gây hại, ngày 21/5 Ban Quản lý chung cư thuộc Công ty Savista đã gửi thông báo khuyến cáo phòng chống dịch kiến ba khoang. Theo đó, để ngăn ngừa kiến ba khoang xâm nhập căn hộ gây tổn thương cho mọi người, Ban quản lý chung cư kêu gọi cư dân hạn chế mở rèm, mở cửa sổ vào ban đêm; mắc màn khi ngủ; vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây cảnh quanh nơi ở; tránh đứng dưới ánh sáng đèn nơi công cộng; giũ mạnh khăn mặt, áo quần trước khi dùng.

Ban quản lý chung cư City Gate đưa ra thông báo kêu gọi cư dân cẩn trọng với kiến ba khoang

Anh Ngô Trọng Kim – Trưởng Ban quản lý chung cư City Gate thuộc Công ty Savista cho biết: “Ban quản lý chung cư đã phối hợp cùng các thành viên trong ban quản trị, chủ đầu tư kịp thời phát hiện các mối nguy hại hoặc dịch bệnh theo mùa để các cư dân kịp thời nhận biết và phòng tránh. Đồng thời chúng tôi còn sử dụng ứng dụng tiện ích Salink do Công ty Savista xây dựng để cư dân dễ dàng kết nối với Ban quản lý, đồng thời cuộc sống của cư dân qua đó cũng trở nên tiện nghi hơn”.

Cần làm gì khi bị kiến ba khoang tấn công?

Gần 1 tháng qua, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị kiến ba khoang tấn công gây viêm da nặng. Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Đây là loài côn trùng thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao.

Phân tích chuyên môn của BS Phan Thị Thùy Thao, khoa Da liễu, Bệnh viện Quận 11, TPHCM chỉ ra: Trong nọc và dịch cơ thể của kiến ba khoang chứa pederin – một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công thường có các tổn thương cơ bản như nổi mẩn đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn sẽ diễn tiến nặng thêm nếu người bệnh ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể sốt nhẹ, nổi hạch vùng lân cận.

Vết đốt của kiến ba khoang có thể gây nguy hiểm cho người

BS Thùy Thao khuyến cáo: “Khi bị kiến ba khoang đốt, bệnh nhân không nên gãi để tránh tổn thương lan rộng; cần nhanh chóng tiến hành xử lý vết đốt bằng cách dùng cồn 70 độ hoặc xà phòng rửa sạch vùng da bị thương tổn; đến gặp bác sĩ da liễu để được khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nhiễm trùng. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị theo hướng zona hoặc giời leo, tự ý bôi các thuốc màu, lá cây hoặc sử dụng các biện pháp dân gian khác để tránh vết thương bị loét, lan rộng.

Khi phát hiện kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, không nên dùng tay bắt, giết kiến, không chà xát chúng trên da mà nên dùng các vật dụng để kẹp bắt kiến, xua đuổi chúng ra khỏi cơ thể, rửa vùng da tiếp xúc với kiến bằng xà bông. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát xác kiến trên da, phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc gây tổn thương khi tiếp xúc với những vùng da lành.

Để phòng chống kiến ba khoang, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang nên chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, nếu bất đắc dĩ phải làm việc vào ban đêm, người dân nên mang đồ bảo hộ khi làm việc dưới ánh đèn.

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/suc-khoe/kien-ba-khoang-tan-cong-nguoi-sai-gon-mat-an-mat-ngu-20190527121220763.htm