Theo đó, Sở Xây dựng cho biết tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 17,32% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, còn tổng vốn đăng ký giảm sâu 84,6%; đây là năm thứ hai liên tiếp hoạt động kinh doanh bất động sản TP suy giảm.
Cũng theo Sở Xây dựng TPHCM, nguồn cung nhà ở năm 2021 giảm 35,48%, tổng số căn nhà giảm 14,51%; căn hộ bình dân giảm về 0%; căn hộ từ 20 triệu đồng/m2 – 40 triệu đồng/m2 giảm còn 26,02%; căn hộ trên 40 triệu đồng/m2 tăng 73,98%.
Được biết, trước đó số lượng nhà ở bình dân biến mất khỏi thị trường và giá căn hộ đang được đẩy tăng nhanh cũng đã được các đơn vị nghiên cứu thị trường cảnh báo. Cụ thể, theo Savills Việt Nam, năm 2021, chưa tới 11.700 căn nhà trong các dự án được chào bán, giảm 54% so với năm 2020, thấp nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ mua sản phẩm đạt 81% cho thấy nhu cầu mua nhà của người dân rất lớn.
Giá bán căn hộ bình dân đã lên tới 56,5 triệu đồng/m2, tăng 27% so với năm trước. Giá nhà phố trong dự án hiện nay thấp nhất là 18 tỷ đồng/căn và trong một năm qua, Tp.HCM chỉ có 19 dự án với 14.339 căn hộ được chào bán, giảm 22%.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) về thị trường nhà ở năm 2021 và xu hướng năm 2022, Tp.HCM đang thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân. Báo cáo của UBND Tp.HCM cho biết, nguồn cung nhà ở năm 2021 giảm 35,48% so với năm 2020, cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường, chưa đảm bảo an sinh xã hội.
Thực tế, căn hộ bình dân cần phải chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng hiện đang ở mức 0%. Hiện căn hộ trung cấp chỉ còn 26%, còn lại là căn hộ cao cấp. Trong năm 2021, toàn Tp.HCM chỉ có 20 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng, không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Báo cáo của UBND TPHCM nêu, đây là dấu hiệu của sự lệch pha cung cầu, cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của thị trường bất động sản. Vì vậy, cần phải kéo tỷ lệ căn hộ bình dân lên cao, kế đến là căn hộ trung cấp. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về xây dựng, đầu tư, quy hoạch, thuế còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án.
Liên quan đến các công tác thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, dự thảo cũng nêu dự báo năm nay, dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vẫn là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội và đổ mạnh đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặt biệt là Tp.HCM. Tuy nhiên, các quy định hệ thống pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ gây khó khăn trong biện giải pháp ngăn chặn và đề xuất giải pháp xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản, có thể hình thành những điểm nóng, phức tạp.
Theo Cafef
Link: https://cafef.vn/so-xay-dung-tphcm-bao-dong-tinh-trang-can-ho-binh-dan-tphcm-giam-ve-0-20220425111804295.chn