Trong quý III/2018, toàn TP HCM có 18 dự án chung cư mở bán (bao gồm dự án mới và giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), cung ứng ra thị trường 7.152 căn hộ, với tỷ lệ tiêu thụ ước khoảng 83%. Trong đó, khu vực trung tâm (bao gồm quận 1, 3, 4, 10 và một phần quận 5) chỉ đóng góp 805 căn, chiếm 11%.
Hai quý trước đó, nguồn cung từ khu trung tâm thậm chí còn khiêm tốn hơn, ở mức 7%. Sau 9 tháng, khu vực này cho ra thị trường 2.159 căn, bằng 8,1% tổng nguồn cung căn hộ toàn thành phố.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Triển Vọng (Savista) cho rằng việc phát triển các dự án thương mại – dịch vụ tại khu trung tâm sẽ có hiệu quả hơn về mặt lợi nhuận so với các dự án nhà ở. Hơn nữa, với mật độ và sức nén dân số đã rất cao, cơ quan quản lý có khuynh hướng không khuyến khích các dự án nhà ở quy mô lớn tại các khu vực lõi của thành phố. Điều này cũng tác động đến việc khan hiếm nguồn cung căn hộ mới trên thị trường.
Một khó khăn khác với các chủ đầu tư khi xây chung cư tại khu vực trung tâm là có rất ít dư địa để phát triển đồng bộ các tiện ích, nhằm tăng tính cạnh tranh cho dự án. Nếu như các dự án vùng ven, chủ đầu tư có thể “hy sinh” đến 60-70% diện tích đất để phát triển cây xanh mặt nước, thì ở nơi “tấc đất tấc vàng”, họ buộc phải tính toán rất kỹ mới có thể đưa thêm một tiện ích vào dự án.
Cũng theo ông Dũng, trong khi các tiện ích khác như hồ bơi, khu mua sắm hay phòng tập gym – yoga… cư dân khu nội đô có thể dễ dàng tìm kiếm ở các khu vực lân cận thì bãi đỗ xe lại trở thành vấn đề bức bách. Tìm một chỗ đỗ xe khi đến quận 1 hoặc quận 3 để làm việc, giao dịch đã rất khó, chưa nói là để ở.
“Với mức giá cao và sự khan hiếm của quỹ đất, rõ ràng diện tích để làm bãi đổ xe ở khu vực này là vấn đề đau đầu. Nó sẽ dẫn đến khó khăn khi bố trí đúng nhu cầu của khách và đẩy chi phí lên rất cao”, ông Dũng nhận định.