Tác động bất lợi đó sẽ dồn đẩy đến đâu và ứng xử của doanh nghiệp bất động sản như thế nào? Khó khăn chồng khó khăn có lấn át đi những cơ hội nào đó?
BizLIVE trân trọng giới thiệu góc nhìn của chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc về giai đoạn khá đặc biệt này.
SẼ KHỞI ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH KÍCH CẦU NỘI ĐỊA
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức, tuy duy kinh tế của tất cả chúng ta. Trong bối cảnh này, tôi thích nhìn về cơ hội.
Giai đoạn thị trường trầm lắng này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản có quỹ thời gian rà soát và thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở thương mại có giá trung bình, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng, cũng như tham gia các chương trình xây dựng lại các chung cư cũ, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, đề án phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông thành phố.
Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng vận động các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian; xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu…
Dự kiến khoảng tháng 6, tháng 7 Hiệp hội sẽ khởi động chương trình kích cầu nội địa, bao gồm cả nhu cầu bất động sản của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, để quý III có thể đẩy mạnh chương trình nhằm phục hồi thị trường bất động sản sau dịch.
Từ kinh nghiệm trải qua các đợt khủng hoảng thị trường những năm 2008, 2011-2013 thì tôi cho rằng phân khúc nhà ở có nhu cầu thực sẽ là điểm sáng cho thị trường thời gian tới, bao gồm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Đại dịch cũng dạy chúng ta nhiều điều về nhân văn, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sự sẻ chia… Nhân loại đều phải thay đổi để tồn tại và phát triển bền vững.
NÂNG CAO NĂNG LỰC NỘI BỘ VÀ SẴN SÀNG BẬT DẬY
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Doanh thu của Hoà Bình đã giảm 40% so với kế hoạch, nếu dịch kéo dài thì thiệt hại chắc chắn còn nhiều hơn.
Những ngày qua, Hòa Bình tập trung triển khai giải pháp quan trọng nhằm tái cấu trúc công ty, tập trung vào 3 vấn đề chính, trang bị đầy đủ những thứ mà chúng tôi còn thấy yếu để có thể sẵn sàng bật dậy sau dịch.
Thứ nhất là tái cấu trúc hệ thống quản lý, cải thiện hiệu quả làm việc giữa các phòng ban cũng như công trường đảm bảo quy trình, quản lý công việc online một cách hiệu quả. Chữ ký số cũng được áp dụng rộng rãi cho các giao dịch nội bộ giúp tiết kiệm thời gian và giảm chi phí in ấn văn phòng…
Thứ hai là tái cấu trúc về nguồn nhân lực theo phương châm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm hữu ích cho toàn thể thành viên Tập đoàn trong thời kỳ khủng hoảng.
Thứ ba là nâng cao năng lực tài chính bằng cách tái cấu trúc với mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định của Tập đoàn.
Dù nhìn nhận thị trường rất khó khăn, nhưng tôi tin vào những quyết sách của Chính phủ sẽ tạo nhiều điều kiện để sau dịch các doanh nghiệp vẫn có cơ hội hồi phục và phát triển.
Những dự án về hạ tầng của Nhà nước sắp tới sẽ được triển khai nhanh hơn. Đó cũng là cơ hội cho Tập đoàn Hòa Bình cũng như nhiều doanh nghiệp khác.
CẦN SỐNG KHOẺ ĐỂ BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Savista
Từ tháng 4 này thì chúng tôi mới bị tác động của dịch Covid-19, trước đó có vẻ mọi thứ ổn hơn do các hợp đồng đã được chốt hết rồi.
Nhưng khi khách hàng của chúng tôi gặp khó khăn, dẫn đến thu hẹp quy mô, thanh khoản kém, lúc đó dòng tiền thanh toán chậm và doanh thu của công ty bắt đầu bị ảnh hưởng.
Savista là công ty dịch vụ, sử dụng nhiều lao động làm việc tại các tòa nhà. Trong bối cảnh cả nước thi hành Chỉ thị 16 thì việc sắp xếp và bố trí việc làm, thu nhập cho người lao động bắt đầu trở thành vấn đề lớn tiếp theo.
Savista đã có Salink – một sản phẩm ứng dụng nhằm kết nối và đa dạng hóa hệ sinh thái dịch vụ bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành nhà chung cư và cuộc sống của cư dân tại những dự án mà Savista đang quản lý. Thời gian qua chúng tôi phát huy mạnh giá trị của nó và nhận thấy hiệu quả rõ rệt, lượng khách hàng đăng ký vào tăng đáng kể. Với chúng tôi thì xem đây cũng là cơ hội.
Thời gian này các quyết sách của Chính phủ rất nhanh nhạy và hiệu quả. Chúng tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua đại dịch. Nhưng cũng hy vọng Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành có nghiên cứu thấu đáo, mở rộng các tiêu chí, đối tượng hỗ trợ, phân loại mức độ khó khăn để hỗ trợ chứ không chỉ tập trung và 1 đối tượng là khó khăn nhất.
Ví dụ như tiêu chí để được hỗ trợ đối với doanh nghiệp cắt giảm 50% nhân sự trở lên, nhưng trường hợp như Savista đặc thù cần nhiều lao động, chúng tôi cố gắng không cắt giảm nhân sự, không góp phần gia tăng lượng thất nghiệp, đương nhiên phải duy trì lương, bảo hiểm xã hội đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động… trong khi đó thì doanh thu bị sụt giảm, khó khăn chồng chất thì có được hỗ trợ gì hay không?
Hoặc đối với chính sách giãn thuế. Giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân thì tác động không lớn, vì thời gian này doanh nghiệp không có doanh thu, người lao động thu nhập kém, có giãn cũng không hỗ trợ được gì. Tuy nhiên giãn thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất thì lại giúp cho doanh nghiệp có được nguồn tiền để duy trì hoạt động kinh doanh…
Trước mắt các doanh nghiệp đều cần “sống” mới có thể “dậy” và biến cơ hội, thách thức thành hiện thực, khôi phục lại kinh tế nhanh hơn.
BẤT ĐỘNG SẢN LÀ KÊNH TRÚ ẨN, NHƯNG THỊ TRƯỜNG SẼ SÀNG LỌC MẠNH NHÀ ĐẦU TƯ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 không hề có trong kịch bản và nhiều công ty đã không có phương án dự phòng cho tình huống này nhưng nhờ khả năng ứng biến nhanh nhạy, sự thích ứng kịp thời bằng việc áp dụng các biện pháp công nghệ, hoạt động tư vấn online nên nhiều doanh nghiệp đã thích ứng được trong thời kỳ khó khăn.
Theo một khảo sát gần đây, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các nhà đầu tư vẫn lựa chọn bất động sản là kênh trú ẩn an toàn, đảm bảo duy trì giá trị của đồng tiền khi thị trường có biến động.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cơ hội đầu tư ngắn hạn không còn do tính thanh khoản giảm, dòng tiền đang lưu thông chậm và giảm mạnh. Đầu tư ngắn hạn thường chỉ mang yếu tố thời điểm khi thị trường sôi động hay có các yếu tố kích hoạt bất ngờ như công bố quy hoạch mới, mở đường hay khởi động các dự án trọng điểm…
Khi thị trường trầm lắng sẽ sàng lọc mạnh nhà đầu tư. Nhà đầu tư ngắn hạn thường vốn yếu, tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ sớm rời thị trường. Còn lại các nhà đầu tư dài hạn, có nguồn lực tốt họ sẽ lựa chọn các sản phẩm tốt và chờ đợi đến khi thị trường khởi sắc trở lại.
Ví như tại Khu đô thị Vạn Phúc có khá nhiều nhà đầu tư dạng này. Họ mua vào và chờ đợi khi khu đô thị phát triển từng bước hoàn thiện các hạng mục đầu tư hạ tầng, tiện ích khi đó giá trị sẽ tăng cao và tăng bền vững. Họ cũng hướng đến bất động sản có khả năng khai thác dòng tiền cho thuê tốt. Đây là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư dài hạn lựa chọn.
Đối với nhu cầu ở khách hàng sẽ ít cân nhắc về thời điểm hơn mà đa số sẽ tập trung vào chất lượng sản phẩm, giá cả, pháp lý và đặc biệt là yếu tố quy hoạch, không gian sống cùng với cam kết triển khai xây dựng và phát triển dự án của các chủ đầu tư.
Ngoài sản phẩm chào bán mới từ các chủ đầu tư, khách hàng này khá chuộng sản phẩm trên thị trường thứ cấp do sản phẩm có sẵn, khu dân cư đã hình thành đáp ứng nhu cầu ở ngay cho khách hàng.
Tại Khu đô thị Van Phúc nhu cầu mua ở chiếm đến 50% do lợi thế về vị trí và môi trường sống, cảnh quan quy hoạch chỉnh chu đồng bộ với đầy đủ tiện ích nội khu. Điều đó cho thấy, xu hướng của người mua vẫn hướng đến các sản phẩm được đầu tư bài bản và mang lại giá trị bền vững, đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng.
GIAI ĐOẠN “THỬ LỬA” CỦA THỊ TRƯỜNG, THỬ THÁCH NĂNG LỰC CHỦ ĐẦU TƯ
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh, Tập đoàn MIK Group
Thời gian qua, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các lĩnh vực, bất động sản cũng không ngoại lệ.
Ở một khía cạnh nào đó, giai đoạn này cũng tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thực. Bởi, đầu tư trong thời điểm hiện nay, người mua nhà sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư dự án.
Vì vậy, hiện nay phân khúc bất động sản nhà ở nhu cầu ở vẫn rất lớn và mức ảnh hưởng gián tiếp hơn và có triển vọng tươi sáng với các dự án được đầu tư đầy đủ các tiện ích, sự an toàn, chất lượng không gian sống.
Trải qua một thời gian dài “chiến đấu”, Việt Nam đang rất gần đích “khống chế được dịch bệnh”. Do vậy đây càng là thời điểm mà các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị và sẵn sàng cho giai đoạn trở lại.
Với MIKGroup do chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án, kế hoạch ứng biến từ trước nên tác động thật sự không đáng kể. Lý do là các dự án trước đây của chúng tôi đã bán, bàn giao và vận hành rồi.
Còn những dự án đang triển khai thì cũng đang nằm trong kế hoạch và các phương án dự phòng nên hiện tại chúng tôi khá yên tâm. Thậm chí chúng tôi còn cho rằng, đây là giai đoạn để thử thách năng lực của các chủ đầu tư, là giai đoạn “thử lửa” của thị trường.
Vạn Xuân – Hải Tiến
Theo BizLive