QUẢN LÝ, VẬN HÀNH CHUNG CƯ: “NGHỀ NHẠY CẢM” THỜI COVID

25/06/2021 11:40:39

Trong khi nhân sự các ngành khác phải giãn cách, làm việc tại nhà để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh thì nhân viên các doanh nghiệp quản lý, vận hành chung cư càng phải ứng trực để đảm bảo tòa nhà vận hành thông suốt, nên nghề này được gọi là “nghề nhạy cảm” thời Covid.

Môi trường khó giãn cách

“Sáng sớm hôm nay, tôi lại nhận được tin báo từ dự án là có 6 cán bộ nhân viên của chúng tôi sốt cao phải nhập viện. Đây là các bạn phải cách ly trực vận hành 24/24 tại dự án đã có F0 . Dù đã tuân thủ điều kiện chống dịch rất ngặt nghèo, nhưng tình hình vẫn quá căng thẳng…”. Đó là những dòng chia sẻ đầy tâm trạng trên trang facebook của chị Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Venus Corp – doanh nghiệp đang quản lý, vận hành hàng chục khu chung cư tại TP.HCM khi tình hình dịch bệnh tại thành phố này diễn biến phức tạp.

Lên kịch bản trong trường hợp gia đình, công ty có người bị nhiễm, có nhiều người bị nhiễm và có phương án ứng phó với từng kịch bản là điều phải được tính toán kỹ càng, bởi như chị Hương tâm niệm, “nói thì đơn giản nhưng tất cả đều phải chi tiết đến cả túi quần áo mang đi cách ly, điều trị cũng phải sẵn sàng. Khủng hoảng nhân sự sẽ kéo theo khủng hoảng công việc tiếp là khủng hoảng dòng tiền ngay tắp lự”.

Thực tế, những doanh nghiệp quản lý, vận hành tòa nhà như Venus Corp, giãn cách xã hội tuyệt đối là điều dường như không thể và đặc thù nghề nghiệp của các nhân sự ngành này luôn làm việc trong những môi trường “nhạy cảm” với Covid-19 như thang máy, hành lang chung cư…, những không gian hẹp và thường chạy máy lạnh. Vì vậy, lo cho các nhân sự trong công ty an toàn chưa đủ, để các cư dân trong khu chung cư mà họ quản lý an toàn mới thực sự là vấn đề nan giải.

Tại chung cư E-Home 3 (quận Bình Tân, TP.HCM) do Công ty Sài Gòn Thăng Long Group quản lý, vận hành, 14 block của chung cư này bị phong tỏa từ ngày 13/6/2021 do phát hiện chuỗi lây nhiễm Covid-19.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Lợi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sài Gòn Thăng Long Group cho biết, nhân viên làm dịch vụ quản lý vận hành là đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với người dân. Do vậy, khi tòa nhà bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm, và trở thành đối tượng F1, F2 là rất cao. Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 10 nhân viên của Công ty đang phải đi cách ly tập trung do tiếp xúc gần với các ca nhiễm.

Nhân viên SAVISTA xịt khử khuẩn tại dự án Opal Garden, quận Thủ Đức

nhằm phòng chống dịch bệnh COVID – 19

Theo ông Lợi, dù trước khi TP.HCM bùng phát đợt lây nhiễm lần thứ 4 này, Công ty đã họp để xây dựng các phương án “phòng thủ” trong trường hợp dự án do Sài Gòn Thăng Long Group quản lý có cư dân hoặc khách ra vào bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, khi thực tế xảy ra thì lại không đúng như “kịch bản” đã lên sẵn vì có rất nhiều yếu tố chưa lường hết được.

Chẳng hạn, vấn đề tâm lý của các nhân sự khi dịch xảy ra là rất quan trọng, làm sao để nhân viên yên tâm làm việc bởi có những công việc tại tòa nhà không thể bỏ được như vệ sinh, kỹ thuật, bảo vệ… Trong trường hợp nếu các nhân viên làm dịch vụ bỏ đi hết thì nguy cơ bùng phát dịch ra cộng đồng còn cao hơn nhiều, chưa kể khi đó công tác quản lý, vận hành cũng tan rã theo.

“Để nhân viên yên tâm làm việc, Công ty đã hỗ trợ người lao động về tài chính, thực phẩm, các thiết bị y tế để phòng hộ. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch cam kết tài trợ tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong thời gian sớm nhất nếu có vắc-xin dịch vụ”, ông Lợi nói.

“Ngay khi lực lượng chức năng có mặt để phong tỏa, nhiều người đều xôn xao, ai cũng hoang mang vì chưa biết chuyện gì xảy ra. Lúc này tôi đến hỏi một anh dân quân xem có chuyện gì thì mới biết, tại khu chúng tôi ở có người nghi nhiễm Covid-19”, bà Trang, một cư dân tại tòa A1, chung cư Sunview Town (TP.Thủ Đức) nhớ lại.

Theo cư dân này, những phút ban đầu nghe thông tin về ca nhiễm trong tòa nhà mình sinh sống, ai cũng lo lắng và không biết cuộc sống sinh hoạt những ngày sau này thế nào. Tuy nhiên, sau đó các hộ dân ở đây nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ chính quyền địa phương, người dân xung quanh và ban quản lý tòa nhà nên cũng yên tâm dần.

“Ngoài phục vụ cơm nước, mua sắm đồ tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, ban quản lý chung cư còn phát khẩu trang, nước rửa tay, các cẩm nang khuyến cáo phòng dịch cho từng hộ gia đình’, bà Trang cho biết.

“Lấy điểm” trong dịch bệnh

Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, không chỉ đợi đến khi tòa nhà bị phong tỏa, các ban quản lý mới “xắn tay vào việc”, mà ngay sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp quản lý, vận hành đã có kế hoạch chi tiết và và động thái cụ thể trong việc phòng chống dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thụy Thảo Vi, Giám đốc Marketing và Truyền thông Công ty Savista cho biết, tất cả chung cư, tòa nhà do công ty quản lý, vận hành đã được phun xịt khử trùng để đảm bảo an toàn cho tất cả cư dân. Song song với công tác đó, ban quản lý các tòa nhà thường xuyên theo dõi và nhắc nhở cư dân đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, khai báo y tế… Tương tự, tất cả các dự án mà Công ty VietBuildings quản lý cũng đã được trang bị sát khuẩn, đo thân nhiệt, không cho người lạ ra vào tòa nhà nếu không có chủ nhà xuống đón… Các dự án có bể bơi thì tạm dừng hoạt động, tăng cường công tác phun khử khuẩn bằng hóa chất chuyên dụng, nhất là tại các khu vực sinh hoạt chung.

Thực tế, đã có những khu chung cư trước dịch, giữa cư dân và đơn vị quản lý, vận hành có tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”, nhưng trước sự nhiệt tình, hỗ trợ cư dân trong giai đoạn giãn cách của nhân viên quản lý tại các đơn vị này, mối quan hệ giữa hai bên bất ngờ tốt lên trông thấy. Trong các hội nhóm, diễn đàn cư dân trên mạng xã hội, những hành động đẹp của ban quản lý tòa nhà như mua sắm hộ đồ dùng thiết yếu, hỗ trợ người cao tuổi neo đơn… không chỉ thể hiện tình người trong lúc khó khăn mà còn “lấy điểm” rất hiệu quả.

Không chỉ trong dịch bệnh mà vai trò của đơn vị quản lý, vận hành, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, là đặc biệt quan trọng trong mỗi khu nhà, bởi đó là những người tiếp xúc gần với cư dân nhất. Do đó, mỗi hành động, lời nói của các nhân sự này đều trở thành một phần quan trọng của chất lượng dịch vụ tòa nhà, nếu được cư dân phản hồi tích cực, đó chính là giá trị gia tăng của dự án.

“Trên thực tế, giá bán của một sản phẩm bất động sản được chủ đầu tư hoạch định từ giai đoạn trước khi dự án thành hình và đi vào vận hành. Song, yếu tố duy trì mức giá lại phụ thuộc vào chất lượng của công tác quản lý vận hành dự án. Do vậy, vai trò của đơn vị quản lý vận hành trở nên quan trọng trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các đô thị có dân số khổng lồ và nguồn cung lớn như hiện nay’, ông Matthew Powell nhận định.

Theo: Báo Đầu tư Bất động sản