Được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống, trong hơn 1 năm trở lại đây, gia đình ông Trần Quí Thanh và tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có những động thái mạnh mẽ để tham gia vào lĩnh vực bất động sản.
Tháng 6/2018, ông Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành câu lạc bộ BĐS Tp.HCM với ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án BĐS.
Khi đó đại gia nước giải khát tiết lộ, thời gian tới sẽ chọn Tp.HCM và Bình Dương là 2 nơi để phát triển các dòng sản phẩm BĐS. Đặc biệt, Tân Hiệp Phát không hạn chế phân khúc sản phẩm và vai trò doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tất cả là theo nhu cầu và cơ hội của thị trường. Ông Thanh khá tự tin với lĩnh vực mà doanh nghiệp chuẩn bị “dấn thân”. Ông khẳng định, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Còn kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực BĐS theo ông Thanh là bản thân đang tích lũy dần, thời cơ chín muồi sẽ “nhảy” sang.
Và trong hơn một năm qua, hàng loạt công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản đã được gia đình ông Thanh thành lập.
Đáng chú ý là trong khoảng thời gian từ 18-24/4, có 10 công ty được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ 0,05%.
Đến ngày 14/5/2019, thêm CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, đạt 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.
Ông Trần Quí Thanh rất ít khi đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát mà hầu hết do vợ – bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đứng tên.
Như vậy chỉ trong chưa đầy 1 tháng, có ít nhất 11 công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đã được thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 18.830 tỷ đồng.
Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập gần đây, từ đầu năm 2018 đến nay gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác. Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng)…
Công ty Bất động sản TQT mới được thành lập ngày 29/5 và do ông Trần Quí Thanh sở hữu 99,9% vốn.
Vào đầu năm 2018, gia đình ông Thanh cũng thành lập công ty mua bán nợ VNAMC. Việc thành lập công ty mua bán nợ được nhận định có liên quan đến tuyên bố lấn sân ngành bất động sản. Tân Hiệp Phát nhiều khả năng thông qua việc mua những khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản để tích lũy quỹ đất.
Rút bớt vốn khỏi mảng đồ uống
Mảng đồ uống của Tân Hiệp Phát tạo ra cả nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm trong suốt một thời gian dài nên việc gia đình ông Trần Quí Thanh thành lập cùng lúc hơn chục công ty bất động sản với quy mô vốn gần 20.000 tỷ đồng cũng không phải điều gì quá bất ngờ. Trong vụ án Phạm Công Danh, ông Trần Quí Thanh và những người liên quan có những khoản gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng.
Dường như nhu cầu giữ lợi nhuận để tái đầu tư không lớn nên gần như lãi được bao nhiêu là Tân Hiệp Phát lại phân phối lại cho các chủ sở hữu của mình. Điều này cho thấy Tân Hiệp Phát chỉ giữ lại rất ít nhuận để duy trì hoạt động, còn lại phần lớn lãi tạo ra được phân phối lại cho gia đình ông Trần Quí Thanh – những người đang sở hữu 100% vốn của công ty.
Trong khi dồn lượng vốn lớn cho mảng bất động sản thì công ty chủ chốt mảng đồ uống của tập đoàn là Công ty TNHH Thương mại Dịch Tân Hiệp Phát lại được giảm vốn điều lệ từ 276 tỷ xuống 176 tỷ đồng kể từ ngày 22/5/2019.
Cơ cấu sở hữu vẫn được giữ nguyên sau khi giảm vốn với bà Phạm Thị Nụ sở hữu 54,5%, bà Trần Uyên Phương sở hữu 29,4% và bà Trần Ngọc Bích sở hữu 16,1%.
Theo Tri thức trẻ