[CHUYỆN NGHỀ] – NGHỀ ĐÃ DẠY CHO TÔI LỚN!

26/07/2018 17:01:36

Người ta vẫn thường nói “cái nghề là cái nghiệp”, lựa chọn một nghề phù hợp cũng khó khăn như “chọn vợ kén chồng”. Bởi ngoài việc cần một đầu óc tỉnh táo, còn cần cả sự rung động của trái tim nhiệt huyết, thêm một chút nhân duyên đưa đẩy. Anh Phan Thanh Tài - Giám đốc dự án chia sẻ: “May mắn tôi đã gặp nhân duyên của mình từ những bước chân đầu tiên vào đời”

Ngày đầu bước chân vào lĩnh vực, cảm giác bỡ ngỡ đến giờ vẫn không thể quên được, bởi nó vốn chẳng thuộc chuyên ngành được học. Nhưng rồi, thời gian mọi thứ cũng dần quen “quản gia thời hiện đại”, À! Thì ra nó chính là như thế và từ lúc nào nó trở thành cái nghiệp cũng chẳng hay. Như người ta vẫn thường nói “Yêu khi nào bản thân cũng không biết”
Anh Tài chia sẻ: “Vốn dĩ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà người ta hay gọi “âm thịnh dương suy”, nên hầu như anh không hề biết đến “làm việc nhà”. Ấy vậy, cái nghề đã tác động đến thói quen tưởng chừng như không thể thay đổi của mình”

Nhìn bề ngoài, quản lý bất động sản tưởng như chỉ là những công việc đơn giản như lễ tân, bảo vệ và vệ sinh. Nhưng thâm nhập sâu mới thấy, đây là lĩnh vực đầy thách thức, mỗi loại hình bất động sản lại có quy trình quản lý và yêu cầu dịch vụ khác nhau. Đặc biệt, ở một thị trường mà người dân mới bắt đầu làm quen với việc ở trong các khu đô thị có tiêu chuẩn sống cao và chấp nhận trả phí quản lý như tại Việt Nam thì càng dễ nảy sinh các vấn đề phức tạp trong quá trình quản lý.
Chỉ cần một bức xúc nhỏ của cư dân, như bóng điện bị cháy hay đường ống nước bị tắc nhưng không được nhân viên kỹ thuật hỗ trợ kịp thời, cũng rất dễ trở thành “đốm lửa” làm bùng phát các tranh chấp khác. Việc thiếu chuyên nghiệp về quản lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư diễn ra rất phổ biến, từ tranh chấp sở hữu chung – riêng cho đến phí quản lý. Có dự án bị bỏ bê khâu quản lý, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh, trang thiết bị xuống cấp và giá trị bất động sản cũng vì thế giảm đi.

Va chạm, tiếp xúc với những tình huống như vậy, đã giúp anh rút ra cho bản thân nhiều bài học quý giá. Anh chia sẻ: “Tính nóng nảy, bốc đồng của mình cũng chính từ cái nghiệp này mà giảm bớt, điềm đạm hơn, bình tĩnh hơn”. Từ đó, anh thấy được đâu chính là nghệ thuật ứng xử xã hội trong cái nghề “làm dâu trăm họ”. Cái nghề là vậy, đơn giản đời thường mà khi ai dấn thân vào thì mới cảm nhận được hết ý nghĩa sâu xa của nó. Từ đó mà anh cảm thấy yêu hơn cái nghiệp được gắn bởi chữ “nhân duyên”. Nhìn thấy cư dân được sống trong một môi trường an ninh, lành mạnh, ý thức chung, bản thân anh cảm thấy vui trong lòng.

“Nghề đã dạy cho tôi lớn” anh Tài chia sẻ.
Cuộc đời vốn dĩ là những chuyến đi, mỗi nơi sẽ mang đến cho ta những kiến thức, kinh nghiệm và cả tình yêu nghề. Với anh, những ngày gắn bó với nghề là những ngày có vô vàn mảnh ghép đáng nhớ, dù vui hay buồn, anh đều trân trọng. Vì đó chính là những mảnh ghép tuyệt vời ghép nên câu chuyện cuộc sống nghề – nghiệp và sự trưởng thành của anh.