BÁO ĐẦU TƯ BĐS: CÔNG NGHỆ HÓA HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, VẬN HÀNH TÒA NHÀ: CÁC BÊN ĐỀU HƯỞNG LỢI

14/01/2019 15:13:34
Áp dụng công nghệ trong việc quản lý, vận hành tòa nhà đang dần trở thành xu hướng, bởi nó không chỉ đem lại sự tiện lợi cho đơn vị cung cấp dịch vụ, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho cư dân, người sử dụng dịch vụ.

Xu hướng tất yếu

Theo một số chuyên gia trong ngành, quản lý và vận hành tòa nhà là một công việc rất phức tạp, năng lực của đơn vị quản lý không tốt thì chắc chắn sẽ không kiểm soát được. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bất động sản đang ngày được chú trọng và dần trở thành xu thế tất yếu.

Đơn cử như Savills Việt Nam đã áp dụng phần mềm quản lý mới mang tên Savills Property Management Solutions (SPMS), để kết nối giữa ban quản lý, chủ đầu tư và cư dân trong quá trình quản lý và vận hành dự án bất động sản.

Theo Savills, SPMS sẽ hạn chế các phương thức truyền thống, mang tới cho người sử dụng sự phản hồi ngay lập tức đối với những yêu cầu cá nhân qua một hệ thống tự động. Đây là một kênh liên lạc rõ ràng giữa cư dân và ban quản lý tòa nhà, có các tính năng cho phép người dùng thanh toán hóa đơn và sử dụng những dịch vụ tiện ích trong tòa nhà chỉ với một vài bước đơn giản.

Hiện tại, SPMS đã được tích hợp vào một số dự án thuộc quản lý của Savills tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Ứng dụng sẽ được cập nhật thường xuyên với nhiều tính năng mới nhằm đưa quy trình vận hành trở nên thuận tiện và suôn sẻ hơn.

Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (VenusCorp) cũng đã cho ra mắt ứng dụng quản lý tòa nhà, quản lý nhân viên vận hành các tòa nhà thuộc các dự án mà Venus quản lý. Theo đó, khi sử dụng ứng dụng này, các cư dân có thể tiếp cận dịch vụ và giám sát các hoạt động của đơn vị vận hành một cách dễ dàng.

Theo bà Vũ Ngọc Hương, CEO VenusCorp, quản lý tòa nhà không chỉ giúp cư dân nhận thông báo phí, đặt dịch vụ, mà còn là kênh để phản ánh chất lượng dịch vụ. Cư dân thấy nơi ở có chỗ nào không đạt yêu cầu về chất lượng dịch vụ, có thể chụp hình và gửi vào hệ thống, lập tức tình trạng sẽ được cập nhật để khắc phục, giải quyết.

Ngoài ra, áp dụng công nghệ vào quản lý toàn bộ việc thu – chi đều được nhập lên hệ thống để ban quản trị và cư dân có thể kiểm tra. Khi cư dân đóng phí, phiếu sẽ được in và không thể sửa đổi. Toàn bộ dữ liệu sẽ được lập thành các báo cáo và chuyển cho các cá nhân, bộ phận có trách nhiệm liên quan khiến việc quản lý tài chính được minh bạch hơn.

Gần đây nhất, Công ty cổ phần Sài Gòn Triển Vọng (Savista) cũng đã “trình làng” giải pháp công nghệ quản lý bất động sản mang tên Property Management System Solution (PMSS) và ứng dụng kết nối Salink.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Savista cho biết, đây là sản phẩm được xây dựng và phát triển dựa trên hơn 11 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, quản lý, khai thác bất động sản của Savista. PMSS được đóng gói và tích hợp toàn bộ các quy trình, quy định, quy chế, biểu mẫu…, giúp công tác quản lý vận hành dễ dàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm tối đa chi phí, gia tăng giá trị bất động sản.

Bên cạnh đó, PMSS còn được cộng hưởng môi trường của Hệ sinh thái Salink – ứng dụng kết nối cộng đồng, với các tính năng ưu việt như nhận thông báo, tương tác giữa cư dân và Ban quản lý nhanh chóng, tức thời. Tìm kiếm, mua sắm online, đặt dịch vụ tiện ích tại nhà, thanh toán trực tuyến phí quản lý, hóa đơn và các dịch vụ khác…

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty SAVISTA chia sẻ trong Tọa đàm Ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị bất động sản trong quản lý và khai thác, ra mắt Giải pháp công nghệ quản lý bất động sản PMSS

“Savista xác định ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành và khai thác bất động sản là giải pháp tối ưu, nhằm nâng cao tính cạnh tranh và mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Hơn nữa, việc này đã mở ra rất nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Dũng nói.

Cư dân hưởng lợi

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ, khi ứng dụng công nghệ vào quản lý, khai thác bất động sản, ngoài tính tiện ích, hiệu quả, đỡ tốn phí, mất ít thời gian, nó còn giúp cho chủ dự án, nhà đầu tư có được những thông tin chọn lọc, minh bạch cần thiết khi giao dịch, đồng thời tạo nên một thị trường trong lành và bớt đi những rủi ro. Tuy nhiên, việc áp dụng quản lý khai thác bằng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa được phổ biến.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Lê Anh Đức, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch cho biết, ở nhiều quốc gia, việc áp dụng công nghệ trong quản lý, khai thác bất động sản đã được phổ biến từ lâu, nhưng tại Việt Nam, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, khai thác vào khoảng năm 2007, nhưng chỉ có một số ít tòa nhà lớn ở trung tâm TP.HCM áp dụng.

Theo ông Đức, vòng đời của một dự án bất động sản không phải chỉ có quá trình khởi công và xây dựng, mà vòng đời của nó phải xuất phát từ lúc chuẩn bị đầu tư, xây dựng, sau đó là vào giai đoạn vận hành. Trong đó, giai đoạn vận hành là giai đoạn dài nhất của vòng đời một dự án bất động sản, giá trị được gia tăng nhiều nhất, tốt nhất lại nằm ở giai đoạn vận hành và khai thác này.

“Để gia tăng giá trị của một dự án bất động sản, tôi cho rằng, phải trú trọng đến giai đoạn vận hành này. Bởi chúng ta có thể hiểu rằng, nhà đầu tư không chỉ là doanh nghiệp, chủ đầu tư ban đầu của dự án, mà cư dân cũng là nhà đầu tư. Khi cư dân được sống trong một dự án rất thoải mái, dịch vụ tốt, được quản lý chuyên nghiệp…, thì chắc chắn sẽ rất thích thú và nhiều người mong muốn được ở trong căn hộ này. Như vậy, thanh khoản của việc mua bán tại các căn hộ ở đó sẽ tốt nhất và cư dân là người hưởng lợi nhiều nhất”, ông Đức nói và cho biết thêm, vấn đề quản lý không chỉ nằm ở góc nhìn bên ngoài hay vấn đề niềm tin, mà quản lý còn nằm ở vấn đề bảo trì và vận hành của tòa nhà đó.

Để vận hành một tòa nhà chung cư thì rất phức tạp về vấn đề kỹ thuật, nên nếu năng lực của nhà quản lý không tốt, thì chắc chắn sẽ không kiểm soát được. Theo thời gian, tòa nhà sẽ xuống cấp từ từ, nếu nhà quản lý tốt thì sẽ có kế hoạch bảo trì cụ thể, theo đó chất lượng của công trình sẽ duy trì được ở trạng thái tốt. Còn ngược lại, nếu nhà quản lý không tốt thì chất lượng tòa nhà sẽ nhanh xuống cấp, như vậy giá trị bất động sản sẽ sụt giảm.

TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, giá trị mềm của bất động sản được tăng lên khi áp dụng công nghệ vào quản lý, khai thác tòa nhà, căn hộ. Một khi giá trị mềm như nhận thông báo, tương tác giữa cư dân và ban quản lý nhanh chóng, mua sắm online, đặt dịch vụ tiện ích tại nhà, thanh toán trực tuyến phí quản lý, hóa đơn và các dịch vụ khác mọi lúc mọi nơi… được thiết lập bằng uy tín thì độ tin cậy, tính thanh khoản của bất động sản sẽ được tăng thêm.

“Điều dễ dàng nhận thấy trên thị trường bất động sản hiện nay, là chủ đầu tư của những dự án quy mô lớn muốn duy trì công tác dịch vụ thật tốt để dễ bán sản phẩm lần sau. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều chủ đầu tư nhỏ lẻ, có được một miếng đất, làm được 1 – 2 tòa nhà, sau khi bán xong thì chỉ giữ lại một phần nhỏ để kinh doanh ở khối đề rồi coi như hết trách nhiệm. Lúc này, vai trò của đơn vị quản lý là rất quan trọng”, ông Khương nhấn mạnh.

Việt Dũng

Theo Báo Đầu tư Bất động sản