[CHUYỆN NGHỀ] – VUI BUỒN NGHỀ TUYỂN DỤNG

02/07/2018 15:21:43

“Trong mắt người tuyển dụng không có Trường lớn, Trường bé

Chỉ có người hữu dụng hay không, hãy cho thấy bạn có thể làm gì?”

Với thị trường lao động hiện nay, nguồn lao động có thể nói là dồi dào về cung nhưng có chất lượng và phù hợp thì vẫn là bài toán nan giải. Vì vậy việc kiên nhẫn sàng lọc, tìm kiếm được hồ sơ phù hợp trong hàng trăm hồ sơ nhận được cũng là một khó khăn không nhỏ đối với người làm tuyển dụng. Đó là chưa kể có rất nhiều ứng viên không xem rõ yêu cầu tuyển dụng, yêu cầu về hồ sơ, cứ vô tư gửi ứng tuyển theo thói quen, đôi khi khiến cho người làm tuyển dụng phải “nổi đóa” lên vì mất thời gian. Hãy lắng nghe chuyện vui buồn nghề tuyển dụng.

Nói một cách hoa mỹ, đao to búa lớn thì làm tuyển dụng là bản thân có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, mục tiêu trong cuộc sống của khách hàng – Ứng viên – từ đó có thể mang lại cơ hội để giúp Ứng viên đạt được các mục tiêu này.

Có lẽ tất cả chúng ta từng thắc mắc nghề “tuyển dụng” là gì? Và vì sao hiện nay nghề này được xem là nghề VIP phải không?

Chị Nguyễn Thị Phương Thúy – Trưởng bộ phận HCNS, Công ty SAVISTA chia sẻ: “Tôi yêu công việc của mình. Tôi gắn bó với nghề đã 6 năm Theo tôi, sau nghề bác sĩ và giáo viên, tư vấn nhân sự là nghề cao quý thứ ba. Tôi tự hào được giúp đỡ mọi người tìm thấy những công việc mơ ước của họ, cải thiện cuộc sống, giúp họ tăng thu nhập và phát triển sự nghiệp”.

Sáu năm với chị Phương Thúy là một chặng đường đầy những trải nghiệm thú vị với nghề, may mắn là vui nhiều hơn buồn và chưa bao giờ có ý định đổi nghề.

Phải nói rằng, chuyên viên tư vấn tuyển dụng, chính là “cầu nối” giữa các nhà tuyển dụng và nhân tài. Nói cách khác họ là người “chiêu binh” cho CEO và Giám đốc nhân sự, Trưởng phòng nhân sự của các công ty trong hành trình săn lùng nhân tài. Nếu bạn hỏi bất kỳ CEO nào ở Việt Nam: “Mối quan tâm hàng đầu của ông trong công tác quản lý là gì?” chắc chắn họ sẽ trả lời ngay: “Nhân sự”.

Thật vậy, nhân sự là tài sản lớn nhất của các công ty, là nhân tố giá trị nhất mà các CEO không tiếc thời gian, ngân sách và công sức để tìm kiếm, chiêu mộ và lưu giữ lâu dài. Chuyên viên tư vấn là người nắm lấy sứ mệnh quan trọng: giúp các ứng viên và nhà tuyển dụng “tìm thấy nhau”

Chị Phương Thúy chia sẻ: “Khi làm tuyển dụng chúng ta có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện rất nhiều người giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều độ tuổi, tầng lớp khác nhau. Qua đó, bản thân có thể học hỏi từ những câu chuyện thành công, thất bại của họ, chúng ta sẽ hiểu hơn về các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Ngoài ra chúng ta còn xây dựng thêm nhiều mối quan hệ, có thể giúp ích ngược lại cho con đường nghề nghiệp của chính chúng ta sau này”

Nhìn vào danh sách ứng viên và trên bàn làm việc luôn đầy ắp các hồ sơ xin việc của chị Phương Thúy, mọi người sẽ hiểu ngay vì sao chị luôn là người bận rộn và rất ít khi ngồi lâu tại bàn làm việc do tính chất công việc thường xuyên phải phỏng vấn, trao đổi với các phòng ban tìm hiểu kỹ công việc thực tế trước khi chọn ứng viên phù hợp theo yêu cầu cần tuyển. Đối với chị “Tìm được công việc tốt cho các ứng viên là niềm hạnh phúc đối với bản thân”.

Chị Phương Thúy hay đùa với mọi người “Đôi khi người làm tuyển dụng như một siêu nhân, trong công ty ai làm công việc gì mình cũng biết, dù mình không thuộc lĩnh vực chuyên ngành của họ, nhưng mình đủ khả năng để có thể trao đổi, trò chuyện với các phòng ban khác: Từ phòng kế toán, phòng Marketing hay phòng Kinh doanh…bởi vì mình phần nào hiểu được công việc mọi người đang làm”

Cái nghề tưởng chừng nhẹ nhàng, nhưng lại không ít thử thách, khó khăn. Nhiều lúc mất ngủ vì “lỡ” kiểm tra email nhận được thông tin từ chối offer của ứng viên. Tuy nhiên cũng có những ưng viên rất dễ thương, giới thiệu ứng viên khác cho mình sau khi từ chối, coi như là an ủi sau cùng.

Phải nói rằng, từ câu chuyện chia sẻ, trải lòng với nghề của chị Phương Thúy. Chúng ta hiểu được những ai đã bén duyên với nhân sự, để rồi kết duyên và xây dựng sự nghiệp với nghề nhân sự đều cảm nhận và thấu hiểu tường tận về những thách thức, khó khăn trong công việc này. Vị đắng – vị ngọt hòa lẫn niềm vui – nỗi buồn của nghề nhân sự đã góp phần tạo thêm bản lĩnh, nghị lực và cả sự động viên cho những người bước đi trên con đường nhân sự.