QUẢN LÝ NHÀ THẦU TỐT CẦN SỰ DUNG HÒA HIỆU QUẢ

18/02/2022 14:30:05

“Người chèo thuyền giỏi không đến từ vùng biển lặng sóng”. Chính một thái độ mở lòng đón nhận những thử thách mới, hết mình vì công việc và sự linh hoạt, chị Trương Thị Thanh Thảo – Quản lý nhà thầu tại SAVISTA đã trở thành người chèo thuyền giỏi trên biển cả.

Tạo dựng một mối quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp giữa nhà thầu và ban quản lý là điều mà một quản lý nhà thầu luôn quan tâm. Đặc biệt, nếu không có sự dung hòa sẽ làm ảnh hưởng đến tính ổn định của dự án. Là một quản lý nhà thầu tại Công ty tư vấn, quản lý và Khai thác Bất động sản SAVISTA – đạt thành tích Cá nhân Tiêu biểu năm 2021, chị Trương Thị Thanh Thảo đã có những chia sẻ kinh nghiệm làm việc hiệu quả để mở cánh cửa thành công.

Chị Trương Thị Thanh Thảo – Quản lý Nhà thầu tại SAVISTA

Trở thành một trong 19 cá nhân tiêu biểu nhất năm 2021 là một trong những thành quả đáng quý, nhất là khi chúng ta đã phải trải qua một năm nhiều thử thách từ đại dịch. Bí quyết nào để chị luôn hoàn thành tốt công việc và đạt được thành quả như vậy? 

Tôi nghĩ đơn giản chỉ cần xem công việc của công ty là công việc của bản thân và hết mình vì điều đó. Bởi khi xem việc gì là của mình thì chúng ta thường sẽ chăm chút hơn, cẩn thận hơn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Kết quả này cũng có thể là điều mang đến cho chúng ta những thành công khác ngoài mong đợi.

Theo chị, thách thức lớn nhất mà một quản lý nhà thầu phải đối mặt là gì? 

Theo tôi thách thức lớn nhất chính là tìm được nhà thầu chất lượng. Một nhà thầu chất lượng có thể xem như một đối tác chiến lược quan trọng, luôn đồng hành cùng BQL để thực hiện tốt công việc của mình. Đồng thời khi có sự cố xảy ra, nhà thầu luôn sẵn sàng cùng BQL giải quyết vấn đề nhanh chóng để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt, mang đến cuộc sống thoải mái cho cộng đồng cư dân, khách hàng.

Để một dự án ổn định rất cần sự điều phối, gỡ rối các nút thắt giữa BQL và nhà thầu, duy trì sự hài lòng cư dân. Vậy theo chị, những tố chất nào mà một người quản lý nhà thầu cần phải phát huy?

Để quản lý nhà thầu hiệu quả cần phải vận dụng nhiều kỹ năng. Điển hình trong đó là phải luôn mở rộng các mối quan hệ của mình. Qua đó, tìm được những nhà thầu chất lượng có thể hợp tác sau này.

Thứ hai là kỹ năng thương thảo hợp đồng, thương thảo về giá, các điều khoản khác. Đây không phải là tố chất bẩm sinh mà do một quá trình làm việc lâu dài cùng các đối tác để tôi luyện thành.

Thứ ba là lắng nghe và linh hoạt xử lý các tình huống. Sự ổn định của dự án là vô cùng quan trọng. Vì vậy, người quản lý dự án phải là người đứng ở giữa lắng nghe BQL và nhà thầu. Sau đó tổng hợp thông tin và tìm cách tốt nhất để dung hòa hai bên, tạo tiếng nói chung, đem lại sự ổn định cho dự án.  

Cuối cùng là phải thật cẩn thận. Bởi nếu không xem xét kỹ có thể dẫn đến những sai sót gây nguy hại cho công ty. 

Công việc của một quản lý nhà thầu có bận rộn không? Chị thường sắp xếp chúng như thế nào?

Khá là bận rộn đấy! Nhưng nếu biết cách sắp xếp và xử lý chúng một cách khoa học thì sẽ cân bằng thôi. Những tháng đầu tiên khi đảm nhận vị trí này tôi thường ở lại công ty trễ hơn một chút hoặc tranh thủ giờ nghỉ trưa để có thêm thời gian làm quen hơn với công việc. Sau đó là sắp xếp lại mọi thứ theo một lịch trình phù hợp để có thể xử lý các vấn đề nhanh chóng, hiệu quả, không bị mất kiểm soát hoặc bỏ sót các sự vụ đột xuất.

Chị có ngại những thử thách không? Điều gì lớn nhất mà chị muốn đạt được ở công việc của mình?

Mong muốn lớn nhất là hoàn thành tốt nhất công việc của mình, kể cả các công việc phát sinh không nằm trong kế hoạch. Ví dụ tuần đó cần phải xử lý 10 đầu việc, nhưng có việc thứ 11 bất ngờ xuất hiện thì tôi xem đó là thử thách mà mình sẽ phải giải quyết. Nếu tôi làm tốt việc thứ 11 cũng chính là vừa có cơ hội được học hỏi thêm và vừa tích lũy cho bản thân thêm kinh nghiệm. Tôi nghĩ là điều này giúp bản thân tốt hơn, trưởng thành hơn, có thêm chứ không phải mất gì. Vậy tại sao mình phải từ chối đón nhận thử thách nhỉ? Thử thách là cách để mình vượt qua, mình lớn hơn, có thêm được nhiều kinh nghiệm hơn trong cuộc sống.

Tôi thích nhất câu: “Người chèo thuyền giỏi không đến từ vùng biển lặng sóng”. Công việc nếu dễ dàng quá thường khiến con người ta không biết bản thân mình giỏi hay dở, hoặc dễ ngủ quên trên chiến thắng. Chỉ có trải qua những sóng gió, những thách thức mới biết khả năng thực sự của mình đến đâu. Tôi sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, đón nhận thử thách. Nếu thành công thì cũng là lúc chinh phục giới hạn mới và từ đó, có niềm tin hơn để tiếp tục đương đầu với những thách thức khác.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc chị gặt hái được nhiều thành quả mới trong công việc!