NHỮNG LƯU Ý ĐỂ GIỮ AN TOÀN CHO TRẺ NHỎ KHI SỐNG Ở CHUNG CƯ

16/02/2023 09:43:06

Hiện nay, việc lựa chọn nơi sinh sống tại các căn hộ chung cư, tòa nhà cao tầng là lựa chọn phổ biến của nhiều hộ gia đình do vị trí địa lý thuận lợi, những tiện ích đa dạng... Tuy nhiên, đối với các gia đình có con nhỏ. Đặc biệt lưu ý những vấn đề để có thể giữ an toàn cho trẻ nhỏ và đang sinh sống ở chung cư cao tầng.

Trong thời gian qua, những sự việc rủi ro đã xảy ra với người dân tại các tòa nhà, chung cư, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em đã gây thương tiếc sâu sắc cho dư luận khiến cho các bậc phụ huynh không thể không quan tâm đến vấn đề này.

Hình ảnh minh họa

Chính vì thế, đối với các gia đình có con nhỏ, nhiều bậc phụ huynh đều rất chú trọng đến những yếu tố về đảm bảo sức khỏe, sự phát triển của trẻ em, mang lại cuộc sống thoải mái, an toàn cho cả gia đình như sau:

Những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ em

  • Khu vực ban công

Ban công là nơi mang lại không gian thoáng đãng, thoải mái cho hộ gia đình sinh sống ở chung cư. Tuy nhiên đối với hộ gia đình có con nhỏ thì lan can chung cư cần được thiết kế phù hợp để mang lại sự an toàn cho trẻ nhỏ.

Ban công là một trong những điều cần lưu ý nhất khi ở chung cư. Cụ thể lan can chung cư phải có chiều cao tối thiểu là 1,4m mới là an toàn cho trẻ em. Lan can nên được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ em có thể trèo dễ dàng. Đặc biệt, cần lưu ý ở phía bên dưới nền ban công không nên để chậu hoa, ghế ngồi, máy giặt, các đồ dùng khác… hay đặt chúng sát lan can, có thể trở thành điểm tựa để các trẻ em leo lên.

Hình ảnh minh họa

Trong trường hợp lan can được thiết kế bằng những thanh ngang, gia đình cần lưu ý đến trẻ em và đóng kín cửa ban công, hoặc lắp các thiết bị kính chắn, lưới thép theo hướng dẫn vừa đảm bảo cho việc phòng cháy chữa cháy, vừa an toàn cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, những khu vực có khả năng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như khu bếp núc, thang máy, hầm gửi xe… về phía phụ huynh, tuyệt đối không cho trẻ ở một mình, tự do trong những khu vực này nếu không có người lớn bên cạnh.

  • Khu vực nhà bếp

Khu bếp là nơi thường có những đồ vật sắc nhọn, đồ dùng thủy tinh, thậm chí là chảo dầu nóng hay nồi nước sôi… trẻ em hiếu động chơi đùa gần bếp có thể dễ gặp phải nguy hiểm. Trẻ nhỏ rất tò mò, luôn muốn khám phá những khu vực mới mẻ trong nhà. Vì vậy, trong quá trình sinh hoạt, người lớn cần để ý đến trẻ, không nên rời mắt quá lâu để hạn chế xảy ra những tai nạn làm thương tổn đến cơ thể.

 

Hình ảnh minh họa

  • Khu vực thang máy

Ở chung cư cao tầng, việc đi tháng máy là không tránh khỏi. Trẻ nhỏ cũng chưa đủ nhận thức về an toàn cũng như nhận biết được các tình huống nguy hiểm như kẹt thang, vấp ngã… hay biết cách xử lý với những sự cố, chưa có kỹ năng khi đi thang máy. Chính vì thế, phụ huynh không nên để con đi thang máy một mình, cần được giám sát chặt chẽ, không để trẻ tự ý, đi một mình ra vào thang máy nhằm phòng tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Hình ảnh minh họa

  • Khu vực hồ bơi

Đa số các khu chung cư hiện nay thường có hồ bơi, mặc dù hồ bơi không quá rộng lớn nhưng phụ huynh cũng không nên chủ quan hay cho rằng mình dễ ứng cứu trẻ. Khi ở trong hồ bơi, cha mẹ, những người chăm sóc trẻ hoặc người lớn phụ trách hồ bơi phải luôn cảnh giác.

Để tăng độ an toàn, sau đây là một số mẹo để ngăn ngừa đuối nước:

– Ở cùng trong hồ bơi với trẻ nhỏ

– Giữ tầm quan sát trẻ ở mức an toàn

– Mặc áo phao cho trẻ

– Đừng bỏ qua các quy tắc của hồ bơi: Không chạy, không nhảy cầu và không lặn trong nước nông…

– Cho trẻ được tham gia các lớp học bơi

– Phụ huynh cũng cần tìm hiểu kỹ năng cứu sinh

– Đặc biệt, phụ huynh nên dạy con kỹ năng tự chống đuối để bảo vệ mình.

Hình ảnh minh họa

  • Khu vực hầm gửi xe

Cuối cùng chúng ta cần chú ý khu vực tầng hầm chung cư (thường là nơi trông giữ xe). Hầm giữ xe thường có dốc cao và là khu vực xe ra vào chung cư thường xuyên. Phụ huynh nên chú ý đi cùng, tránh trường hợp trẻ nhỏ hiếu chạy giỡn, lao vào đường xe đang chạy sẽ rất nguy hiểm. 

Hình ảnh minh họa

Ngoài ra, đã có rất nhiều trường hợp, nếu trẻ ở lâu trong tầng hầm có thể bị khó thở hoặc chóng mặt, nhất là khi trời nắng nóng. Do đó, các bậc cha mẹ nên hạn chế tối đa việc đưa trẻ xuống khu vực này quá lâu hoặc để trẻ ở lại trong ô tô của tầng hầm.

Luôn trò chuyện, giám sát trẻ nhỏ và dạy chúng nhận biết nguy hiểm

Dù các biện pháp ở trên có an toàn đến đâu đi nữa thì vẫn không bằng sự giám sát và để ý của phụ huynh đến con cái. Dù thời đại bây giờ, cả bố lẫn mẹ đều có nhiều công việc bận rộn, tuy nhiên không vì lý do đó mà chúng ta có thể lơ là đối với trẻ nhỏ. 

Hình ảnh minh họa

Các bậc phụ huynh cùng nhau dành thời gian cho con tưởng chừng như là điều rất đỗi bình thường nhưng mang lại rất nhiều ý nghĩa cho sự phát triển của trẻ. Khi trẻ đã lớn hơn và bắt đầu hiểu chuyện, phụ huynh nên dạy cho trẻ những tình huống nguy hiểm và những kiến thức cần thiết để giúp trẻ có thể tự do vui chơi, đi lại mà không cần phải giám sát liên tục nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống an toàn và yên tâm hơn ở chung cư.